Thách thức đô thị hoá khiến các thành phố thông minh hơn

thunguyen

24/10/2019 12:18

Những thách thức đến từ tốc độ đô thị hoá mau chóng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, khiến các thành phố phải thích nghi theo xu hướng thông minh hơn.

Tỷ lệ đô thị hoá, được tính bằng số người sống ở đô thị trên tổng dân số đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng có trên phạm vi toàn thế giới. Từ mức 50% năm 2018, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 68% vào năm 2050, theo Liên Hiệp Quốc.

Thu hút một lượng cư dân ngày càng đông đảo, các thành phố phải đối mặt với các bài toán quá tải hạ tầng, ô nhiễm, kẹt xe, vấn đề an ninh… làm giảm sự hài lòng, thoả mãn của người dân đô thị.

“Áp lực đô thị hóa quá nhanh đang song hành cùng những nguy cơ tụt hậu về công nghệ, về kinh tế - xã hội…, và không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh/thành nào, không chỉ của riêng Việt Nam” - Ông Trương Gia Bình, đại diện Ban tổ chức Diễn đàn Thành phố thông minh 2019 tổ chức tại Đà Nẵng cho biết.

Thu hút ngày càng nhiều cư dân khiến các thành phố đối mặt với nhiều bài toán về giao thông, môi trường, trật tự an ninh... (Ảnh: Bảo Zoãn)
Thu hút ngày càng nhiều cư dân khiến các thành phố đối mặt với nhiều bài toán về giao thông, môi trường, trật tự an ninh... (Ảnh: Bảo Zoãn)

Xây dựng từ đầu một thành phố thông minh, trang bị cơ sở hạ tầng dễ dàng hơn cải tạo một thành phố, hay một toà nhà làm cho nó thông minh hơn, ông Min Sung Kim - Giám đốc điều hành KT Group, tập đoàn đầu tiên trên thế giới thương mại hoá 5G nói với Tạp chí Nhà Quản Lý.

Đó là lý do các dự án bất động sản mới hiện nay thường theo đuổi mô hình đô thị thông minh, tích hợp các tiện ích thông minh cho cư dân của mình. Tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) vừa hợp tác và động thổ dự án đô thị thông minh tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Đô thị dự kiến sẽ có một toà tháp cao 108 tầng cùng các hệ thống quản lý điện, nước, giao thông công cộng…thông minh. Các mô hình nhà thông minh với việc kết nối, tự động hoá cũng được các tập đoàn bất động sản như Vingroup, BRG,… triển khai cho các dự án riêng lẻ.

Tuy nhiên, hầu hết các thành phố lựa chọn phương án cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, làm cho nó trở nên thông minh hơn, thuận tiện hơn cho người dân.

Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại nhận được giải thưởng thành phố thông minh của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (Asocio) - xét trên năm tiêu chí cơ bản: Chỉ số hạnh phúc, hạ tầng thông minh, dịch vụ công trực tuyến, tăng trưởng kinh tế, giáo dục và nghiên cứu phát triển.

Ông David Wong - Chủ tịch Asocio cho rằng thành phố thông minh cần tích hợp các công nghệ bền vững như mạng 5G, thanh toán không tiền mặt, quản lý nước, chất thải, vận hành giao thông thông minh.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố có đồng thời trên 50 dự án liên quan đến thành phố thông minh đang được triển khai. Đà Nẵng hướng đến việc người dân có thể dễ dàng tiếp cận với cơ sở dữ liệu của thành phố, phục vụ cho đời sống hàng ngày.

“Trước khi bước chân lên một chiếc taxi, người dân có thể gửi thông tin biển số cho dịch vụ tổng đài tin nhắn tự động, và nhận về các thông tin như chiếc xe đó đã đăng ký dịch vụ vận tải chưa, được bao nhiêu “tuổi”, đã từng vi phạm giao thông lần nào chưa….” - ông Thạch ví dụ.

Với camera thông minh, cơ quan quản lý có thể nhận biết được biển số và tốc độ xe đi trên đường theo thời gian thực (Ảnh: Minh Thư)
Với camera thông minh, cơ quan quản lý có thể nhận biết được biển số và tốc độ xe đi trên đường theo thời gian thực (Ảnh: Minh Thư)

Cũng về các giải pháp giao thông, Đà Nẵng cũng như các thành phố khác tại Việt Nam đang vận hành hệ thống camera có khả năng nhận diện biển số, tốc độ phương tiện giao thông. Công nghệ này cho phép cảnh sát giao thông theo dõi được các phương tiện chạy quá tốc độ và đưa ra các hình thức xử phạt. Ngoài ra, khi dữ liệu đủ lớn, người ta có thể phân tích và đưa ra dự đoán/cảnh báo cho người dân về tuyến đường có khả năng xảy ra kẹt xe vào các khung giờ. Bằng việc cảnh báo này, lưu lượng xe sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn.

Thực ra công nghệ đọc biển số và vận tốc xe không phải là phát kiến mới mẻ. Rất nhiều doanh nghiệp đã vận hành công nghệ này. Các doanh nghiệp Việt Nam như FPT hay CadPro, Phi Long… đều đã đưa các ứng dụng này vào kinh doanh thương mại, trang bị cho các cơ quan nhà nước, các sở giao thông vận tải,… Việc nhận diện của các máy móc hiện đại đã tinh tế đến mức có thể nhận diện được gương mặt từng người qua nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau, không chỉ dừng ở việc nhận dạng số và vận tốc.

Trên trang thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng, những ý kiến góp ý và phản ánh của người dân được cập nhật tương đối thường xuyên, hàng ngày. Phần lớn những phản ánh của người dân đều liên quan đến tình hình an ninh trật tự và môi trường. Thời gian tiếp nhận phản ánh thông thường trong khoảng một tuần, tuy nhiên không phải vấn đề nào cũng được xử lý ngay.

“Nếu người dân không được tham gia vào quá trình đó (thông minh hoá thành phố) - công nghệ là vô nghĩa” - ông David Wong phát biểu. Thành phố thông minh, theo ông David Wong, là thành phố sử dụng công nghệ để xử lý những vấn đề con người gặp phải, đáp ứng được yêu cầu bền vững, hiệu quả và an toàn.

Minh Thư

thunguyen