Tập đoàn Đèo Cả có doanh thu thuần hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2022

Hồng Vũ

21/06/2023 06:21

Mới đây (20/6), Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (DCG; mã: HHV) đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023. Qua đó, tập đoàn đã đạt được doanh thu thuần ấn tượng trong năm 2022. Đồng thời thông qua nhiều kế hoạch kinh doanh trong trong năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2022, Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 331 tỷ đồng (+9%) so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Đèo Cả đã huy động vốn thành công để thực hiện dự án dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Nhiều công trình, Đèo Cả thi công như: cầu Tình Yêu, hầm bao biển Quảng Ninh đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Đặc biệt, Đèo Cả và các nhà đầu tư, nhà thầu đã giải cứu thành công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau nhiều năm đình trệ để đưa vào phục vụ người dân lưu thông từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trong năm 2022, Đèo Cả cũng trúng nhiều gói thầu tại các dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn tại Lâm Đồng, dự án cầu Hải Giang… Tại hầm Thung Thi thuộc cao tốc Mai Sơn – QL45, Tập đoàn đã tiếp nhận “giải cứu” khối lượng bị chậm tiến độ của nhà thầu khác để kịp thời đưa dự án về đích phục vụ nhân dân ngày 30/4/2023. Hạng mục hầm Trường Vinh trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đang bứt tốc để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.

Với khối lượng công việc rất lớn, Đèo Cả chủ động ứng dụng BIM trong công tác thiết kế, quản lý thi công và quản lý vận hành. Năm 2022, Tập đoàn đã chi hơn 1.000 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ thi công dự án.

z4447311206628-5c339ba0675b20a361a7e1b7e9527cbb-1687302861.jpg
ĐHCĐ thường niên của DCG năm 2023.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 đạt 419 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng với mức biên lợi nhuận 10%.

Tập đoàn Đèo Cả định hướng quản trị: Duy trì vị thế nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam; Đầu tư dự án có giá trị đóng góp xã hội và lợi ích tối ưu; tổng thầu thi công các dự án đầu tư công với quy mô lớn; quản lý vận hành công trình đầu tư công.

Để thực hiện chiến lược đó, cơ chế Giao - Quản được áp dụng nhằm tối ưu quản lý, tiết giảm chi phí, phát triển hệ sinh thái xoay quanh các hoạt động sản xuất kinh doanh nói trên. Các dự án do Đèo Cả triển khai đều chủ trương minh bạch hóa, thông qua hoạt động cộng đồng giám sát để kiểm soát rủi ro phòng ngừa tiêu cực và tháo gỡ vướng mắc.

Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cũng đã phát huy tích cực khi đồng hành cùng với hoạt động điều hành kinh tế. Các nghị quyết của Đảng bộ luôn là sự kết hợp giữa các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Công tác phát triển tổ chức Đảng được tổ chức sâu rộng đến các xí nghiệp quản lý vận hành, ban điều hành công trường dự án.

z4447307756198-8a227addbc52c2271a148ccdbc98f0a3-1687302882.jpg
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trải qua gần 40 năm hình thành, phát triển đến nay Đèo Cả là công ty mẹ gồm 8 công ty con (trong đó có HHV đang niêm yết trên HOSE), 3 công ty liên kết với trên 6.000 lao động, vốn điều lệ hơn 4.200 tỷ đồng.

Ông Hoàng nêu, trong bối cảnh hiện nay, cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, chưa giải quyết những vấn đề căn bản của thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen quản trị sự thay đổi khi đối diện với thể chế bất cập, khủng hoảng thường lúng túng, thay đổi mục tiêu.

“Nhiều lời khuyên bảo tôi cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản hay cho rằng cao thủ sẽ không bằng tranh thủ. Tôi đã không làm vậy mà kiên định với chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực của mình, phát triển trên những thế mạnh, năng lực chuyên sâu. Đó là các giá trị cốt lõi như đầu tư, thi công, quản lý vận hành các công trình giao thông. Nếu có chăng là sự hợp tác của các doanh nghiệp như Văn Phú, Thành Lợi, CC1, Trường Sơn, CII, ngân hàng TPBank, VietinBank… để cùng nhau vượt khó khăn lúc này”, Chủ tịch DCG chia sẻ.

z4447468692379-01e40d27a366bb050f4a6f9acf12f851-1687302902.jpg
Quá trình thi công Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Bước vào năm 2023, Đèo Cả đã được chỉ định là tổng thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Với kế hoạch sản xuất kinh doanh này, Tập đoàn Đèo Cả đặt kế hoạch chi trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.

Giai đoạn 2023 - 2025, DCG cũng sẽ tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Đèo Cả dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.

Hồng Vũ