Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Nguyễn Tấn Tuân đã ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa muốn xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao với trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực.
Đặc biệt, tỉnh mong muốn KKT Vân Phong có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh; khu vực đáng sống với biểu tượng Xanh - Tri thức - Bản sắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cụ thể, tỉnh muốn phát triển KKT Vân Phong trở thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó kinh tế biển có cảng trung chuyển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Đây cũng sẽ là khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; trở thành đô thị biển đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh bền vững, trong đó khu thương mại tự do đóng vai trò hạt nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển của KKT Vân Phong, là trung tâm du lịch giải trí cao cấp có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp tận dụng thế mạnh là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
KKT Vân Phong cũng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận nói riêng và cho cả nước nói chung.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà và công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký hợp tác và xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Phong.Theo đó tập đoàn IPPG công bố sẽ tài trợ tài khoảng 3 triệu USD để tỉnh Khánh Hoà quy hoạch lại tổng thể khu kinh tế Vân Phong và hỗ trợ tỉnh kêu gọi đầu tư.
Chủ tịch IPPG - ông Johan Hạnh Nguyễn, cho hay đã nghiên cứu về Khu kinh tế Vân Phong từ hai năm trước, đánh giá nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, có thể đầu tư mạnh.
Ngoài tài trợ quy hoạch, IPPG dự kiến kêu gọi 200 nhà đầu tư quốc tế với khoản vốn 60 tỉ USD đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong. Công ty của ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng kỳ vọng đầu tư vào phân khu dịch vụ tổng hợp giải trí của khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Sau khi quy hoạch hoàn thiện, ông sẽ tặng lại tỉnh như một món quà cho quê hương. Ông Hạnh Nguyễn khẳng định "không đòi hỏi các quyền lợi". "Khi muốn đầu tư, chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu như những công ty khác", ông nói.
Theo ông Hạnh, IPPG cũng mong muốn tham gia đầu tư trong phân khu chức năng dịch vụ tổng hợp và giải trí, phi thuế quan của dự án. Và khi đầu tư, IPPG sẽ tham gia đấu thầu như những công ty khác.
IPP là tập đoàn bán lẻ đa ngành, sở hữu chuỗi hơn 1000 cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc, nhà phân phối các thương hiệu thời trang như Louis Vuiton, Bulgari, Christian Dior, Cartier, Rolex, D&G, Nike, Gap… và là đại diện nhượng quyền ẩm thực của Pizza Domino, Burger King, gà Popeyes, Dunkin 'Donuts.
Ngoài ra, IPP còn đầu tư vào hạ tầng sân bay và dịch vụ bán lẻ sân bay. Công ty đã đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Cam Ranh năm 2018 với công suất 8 triệu lượt khách/năm.