Nếu cổ phiếu là loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành xác nhận quyền sở hữu cổ phần của doanh nghiệp, thì chứng quyền là loại chứng khoán do công ty chứng khoán phát hành, xác nhận quyền được mua hay bán một loại chứng khoán khác tại một thời điểm xác định.
Trong giai đoạn đầu loại hình chứng quyền có bảo đảm sẽ được triển khai là chứng quyền mua, dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu niêm yết với phương thức thanh toán bằng tiền.
Đến thời gian đáo hạn của chứng quyền, người sở hữu thay vì thực hiện quyền mua/quyền bán chứng khoán cơ sở, thì họ thanh toán hoặc nhận về khoản lỗ/lãi mang lại nếu thực hiện quyền. Tuy nhiên, do người sở hữu quyền mua/quyền bán được phép thực hiện hay bỏ quyền, nên khoản lỗ lớn nhất của người mua chứng quyền là chi phí mua chứng quyền, đã được công bố trước. Ngược lại, khoản phí đó cũng là lợi nhuận lớn nhất (nếu có) của công ty chứng khoán.
Mức giá của chứng quyền là rất nhỏ so với mức giá của chứng khoán cơ sở. Vì vậy đầu tư qua chứng quyền có tỷ lệ đòn bẩy cao, có thể thu lợi nhuận lớn trên một số tiền nhỏ bỏ ra để mua chứng quyền, trong khi khoản lợi nhuận lớn nhất (nếu có) của công ty chứng khoán chỉ là khoản phí.
Là một sản phẩm chứng khoán, chứng quyền được giao dịch trên thị trường thứ cấp, khi quyền mua/bán chứng khoán cơ sở chưa đến thời gian đáo hạn. Việc này giúp giảm rủi ro cho cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư.
Việc triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… nhà đầu tư sẽ có thêm lựa chọn, công cụ đầu tư.
Đan Nguyên