Quảng Bình: Lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN phải gắn với năng lực thực hiện - Kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những đơn vị không đủ khả năng

Đinh Loan

30/08/2024 12:08

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này có 10 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 2.285 ha. Với những nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,19 tỷ USD.

 Đến nay, 4/10 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Quán Hàu; 1/10 KCN (KCN Cam Liên) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Hạ tầng kỹ thuật của các KCN được đầu tư cơ bản hoàn thiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thu hút 115 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 61%. Các KCN hình thành đã thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng mới theo hướng hiện đại. 

Tuy nhiên, việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều tồn tại, khó khăn như nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên hạ tầng kỹ thuật - xã hội của các KCN đầu tư chậm hoàn thành, thiếu mặt bằng sạch; tỷ lệ KCN có công trình xử lý nước thải tập trung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu vận hành và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KCN trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát, đánh giá tình hình xây dựng, phát triển KCN; hướng dẫn, đồng hành cùng nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN theo loại hình mới, hướng đến cân bằng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển của các KCN; xây dựng kế hoạch cụ thể đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, chương trình đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cho hoạt động của các KCN; rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư đề xuất dự án KCN đáp ứng điều kiện đầu tư hạ tầng KCN theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

kinh-nghiem-du-lich-kham-pha-tron-ven-dong-hoi-quang-binh-202107061347354191-1724994418.jpeg
TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh đó, các sở, ngành đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư để đảm bảo việc đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN phải gắn với năng lực thực hiện; kiên quyết thu hồi đất của nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất KCN, tạo môi trường đầu tư lành mạnh; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định để có giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc hình thức xử lý cụ thể đối với từng trường hợp dự án KCN chậm tiến độ; xử lý kiên quyết trường hợp chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư.

Mặt khác, các sở, ngành liên quan đảm bảo tổng diện tích đất của các dự án KCN trên địa bàn phù hợp chỉ tiêu đất KCN trong Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia 05 năm 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho địa phương, tránh phân bổ dàn trải chỉ tiêu đất KCN, trong đó đặc biệt lưu ý ưu tiên phân bổ chỉ tiêu đất KCN cho dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, có tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư và đảm bảo các điều kiện về kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho hoạt động của KCN, hiệu quả sử dụng đất; tham mưu bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc tạo mặt bằng sạch và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu trong và ngoài hàng rào KCN để đáp ứng yêu cầu thu hút dự án đầu tư…

Thu hút nguồn đầu tư FDI

Với những nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,19 tỷ USD. Ước doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 60 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, nộp ngân sách đạt khoảng 04 triệu USD. Qua đánh giá, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đang diễn ra trong điều kiện bình thường mới, hiệu quả kinh doanh tốt. Riêng trong 6 tháng, tỉnh đã thu hút được 01 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng, tiếp nhận 10 dự án của Tổ chức phi Chính phủ (NGO) với tổng vốn cam kết viện trợ hơn 824.000 USD.

Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), năm 2024, tổng vốn ODA đã bố trí là 406.270 triệu đồng, trong đó vốn ODA ngân sách Trung ương cấp phát 247.670 triệu đồng; vốn vay lại 158.600 triệu đồng. Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến ngày 15/5/2024, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã thực hiện và giải ngân từ nguồn vốn nước ngoài được 100.046 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh cũng thực hiện các thủ tục thu hút được 7 dự án vốn ODA.

Hiện nay, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc, lưu lượng hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu đều tăng so với năm 2023. Để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh qua địa bàn, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, đúng quy định, không để xảy ra ách tắc tại cửa khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với 14,9 nghìn tờ khai (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023), khối lượng hàng hóa 2,27 triệu tấn (tăng 33%), trị giá hàng hóa 862,6 triệu USD; 112,3 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh (tăng 58%). Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 526,2 tỷ đồng, tăng 459% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 75% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao (700 tỷ đồng).

6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Bình, những tiềm năng, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh và tổ chức có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở nước ngoài, chú trọng đến các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... Trong đó, tập trung kêu gọi các dự án đầu tư về lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến nông lâm sản, thủy sản; năng lượng tái tạo và công nghiệp chế tạo; công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh, đổi mới công tác vận động, thu hút nguồn vốn FDI, ODA và NGO nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn FDI, ODA và NGO; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt công tác quy hoạch, các dịch vụ hành chính công, khắc phục những vướng mắc ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Đinh Loan