Hiện dư luận bày tỏ nhiều ý kiến lo ngại, mong muốn cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác quản lý để ngăn chặn dứt điểm tình trạng nêu trên.
Chiêu bài “vàng thau lẫn lộn”
Nhiều bệnh viện khu vực phía Nam vừa qua đã phát đi cảnh báo về tình trạng các tổ chức, cá nhân nhái giả, xâm phạm quyền ở hữu thương hiệu của mình để trục lợi. Hành vi mượn danh bệnh viện lừa bệnh nhân có thể gây ra những rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí tính mạng cho người sử dụng dịch vụ.
Tại TPHCM, một trong những bệnh viện là nạn nhân bị ăn cắp thương hiệu nhiều nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi bị hàng loạt cơ sở thẩm mỹ lấy tên như Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy…, bệnh viện còn bị giả mạo cả trang fanpage.
Ngày 21/7, thông tin từ bệnh viện này cho biết, tại đây đang liên tục tiếp nhận các cuộc gọi và tin nhắn hỏi về việc tuyển dụng vị trí trưởng phòng điều dưỡng trên trang fanpage có tên “Đa khoa Chợ Rẫy”.
Bệnh viện khẳng định, đây là thông tin sai sự thật và fanpage Đa khoa Chợ Rẫy là giả mạo; đồng thời kêu gọi cộng đồng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho fanpage giả mạo trên để tránh bị lừa đảo.
Không chỉ có bệnh viện dân sự, cả bệnh viện quân sự cũng bị ăn cắp thương hiệu. Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, hiện nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175” để quảng cáo thu hút bệnh nhân.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và công khai khi một loạt trang fanpage giả mạo sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa từ trang fanpage chính thức của bệnh viện. Nguy hiểm hơn nhiều trang facebook giả mạo, lợi dụng cả danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn.
“Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ. Hành vi trên làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện”, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn cho hay, đồng thời khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng xác minh lại thông tin theo địa chỉ, số điện thoại của bệnh viện để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới tiền mất, tật mang.
Tìm giải pháp quản lý hữu hiệu
Nhiều ý kiến cho rằng để kiểm soát tình trạng này thì hoạt động kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng và người đứng đầu cơ sở y tế đóng vai trò rất quan trọng, nhất là luật pháp. Hiện các bệnh viện bị xâm phạm thương hiệu đã gửi đơn đến cơ quan liên quan đề nghị được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương hiệu và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Được biết mới đây ông Huỳnh Lê Đức-Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn chia sẻ, đơn vị đã phải gửi văn bản đề nghị đính chính thông tin Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp là chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Theo đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) không phải chi nhánh của Bệnh viện Mắt Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).
Liên quan đến tình trạng cơ sở y tế đặt tên gây nhầm lẫn cho khách hàng, quảng cáo không đúng sự thật... Sở Y tế TPHCM cũng liên tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh, tố cáo từ người dân và báo chí về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Pasteur (Pasteur Institule Clinic), địa chỉ số 4-4B Lê Quý Đôn, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
Nội dung phản ánh cơ sở tại địa chỉ trên vẫn tiếp tục có dấu hiệu hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh dù đã bị Cơ quan chức năng tước giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và đình chỉ hoạt động, đặt tên cơ sở là "Viện Pasteur" gây nhầm lẫn cho khách hàng, quảng cáo không đúng sự thật...
Thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, Thanh tra Sở đã phối hợp với Công an Thành phố (PA03, PC06), Phòng Y tế Quận 3, Ủy ban nhân dân Phường Võ Thị Sáu và Công an Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 tiến hành kiểm tra cơ sở.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ Hộ kinh doanh Pasteur Việt Nam hành vi: "Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động" có hình thức phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 24 tháng; "Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định" có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do có các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại cơ sở tại địa chỉ nêu trên.
Chia sẻ về vấn đề nhức nhối này, nhiều luật gia đều có cùng nhận định: Việc một số cơ sở y tế mới sử dụng tên thương mại tương tự các bệnh viện danh tiếng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tên riêng của các bệnh viện, phòng khám nói riêng và của tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh được Luật SHTT quy định thuộc nhóm tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật SHTT, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với tên thương mại của mình, các bệnh viện có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ được quy định, trong đó có khởi kiện dân sự. Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp dân sự theo Luật SHTT để xử lý cơ sở vi phạm như: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.