Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng trong năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 1 tỷ 539 triệu USD, đứng thứ 9 cả nước và chiếm 4,3% tổng vốn đăng ký, đạt 81,62% so với kế hoạch 5 năm (2021-2025). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương hiện có hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 40,5 tỷ USD, chiếm hơn 8,6% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD. Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP.HCM và Hà Nội. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào Bình Dương như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Uni-President (Đài Loan), Lego (Đan Mạch)…..
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,3% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%, đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.
Ông Lê Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, tại Bình Dương, Đức có 18 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 50,7 triệu USD, lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó có các dự án tiêu biểu như: Công ty Thiết bị Viễn Thông Vnpt-Siemens, Công ty TNHH Liên doanh Hasan – Dermapharm, Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Việt Nam, Nhà máy của Siemens…
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển. Tỉnh cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư. Thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh để tập trung vào hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu.
“Với sự xoay trục của kinh tế toàn cầu và những nỗ lực của địa phương, Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng”, ông Toàn cho hay.
Bày tỏ ấn tượng trước tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương, ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết, Bình Dương là một trong những địa điểm chính cho các dự án đầu tư của Đức, chỉ đứng sau TP.HCM và Hà Nội.
Những lý do chính để các thành viên của Hiệp hội và các nhà đầu tư mới xem Bình Dương là địa điểm đầu tư tiềm năng là bởi địa phương này có vị trí gần các cảng biển và TP.HCM, có hệ thống nhà cung cấp phát triển và thu hút nguồn lực lượng lao động địa phương có trình độ. “Hơn nữa, hầu hết các khu công nghiệp của tỉnh cung cấp môi trường dịch vụ, hạ tầng tốt. Chính sách thuế của tỉnh trong thu hút FDI cũng là một lý do mạnh mẽ để doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư vào Bình Dương”, ông Alexander Ziehe chia sẻ.
Theo ông Alexander Ziehe, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam có gần 400 công ty thành viên. Các doanh nghiệp Đức rất ấn tượng với môi trường mở cửa và chuyên nghiệp mà Bình Dương đang thiết lập đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Đức đề xuất địa phương tiếp tục ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thông quan xuất nhập khẩu; quy định về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép xây dựng; chính sách ưu đãi thuế đầu tư, ưu đãi khi mở rộng đầu tư kinh doanh; quan tâm đến yếu tố bền vững như phát thải ròng, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái đáp ứng sản xuất xanh…
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kiến nghị, khi tỉnh Bình Dương thay đổi, ban hành những chính sách mới đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài thì cần phải triển khai trước 3 đến 6 tháng, trên các phương tiện tiếng Việt và tiếng Anh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương rất hoan nghênh doanh nghiệp Đức đến đầu tư tại Bình Dương. Trong thời gian sắp tới, với những nỗ lực của địa phương, Bình Dương sẽ là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp Đức với nền tảng công nghệ hiện đại và nền quản trị tiên tiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cam kết, chính quyền tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Luôn đồng hành, hỗ trợ về mặt chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại để đảm bảo cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
“Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới đối với các doanh nghiệp Đức trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh như: xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế, môi trường… Tỉnh cam kết sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ.