Sáng ngày 01/10/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phát triển Kinh tế biển Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) chủ trì tổ chức. Hội thảo diễn ra nhằm mục đích huy động trí tuệ của các chuyên gia và các nhà khoa học, trao đổi, thảo luận, phản biện, tìm những giải pháp thực tế để khắc phục các điểm nghẽn trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, đặc biệt là phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu trong lĩnh vực Nuôi biển Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch VSA đã đưa ra Bản tham luận “Tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững Nuôi biển Việt Nam”. Theo đó, lĩnh vực nuôi biển đã được Đảng, Chính phủ Việt Nam xác định là động lực phát triển và đã có hầu như đầy đủ các chính sách để trở thành cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản chuyển mình trong giai đoạn đến năm 2045. Tuy nhiên, trong thực tế, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển vẫn đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Cụ thể khi nhìn vào biểu đồ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ta thấy các chỉ số tăng liên tục nhưng tốc độ tăng ngày càng giảm do nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đang giảm dần cả về số lượng và chất lượng; cơ sở nuôi biển Việt Nam hiện tại vẫn đang là quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình với công nghệ lạc hậu; liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn còn yếu, chưa có cở sở xa bờ và ít doanh nghiệp nuôi trồng theo phương thức công nghiệp; ngành Nuôi biển còn gặp nhiều rủi ro do ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu; khó khăn trong việc quảng bá phát triển thị trường…
Nhìn vào thực tế ngành Nuôi biển Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng Việt Nam cần định hướng chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại, cụ thể là nuôi trồng theo phương thức công nghiệp; xây dựng các vùng biển mở xa bờ, các hệ nuôi kín trên bờ đáp ứng rác thải không thải ra môi trường; sử dụng các vật liệu mới, thân thiện với môi trường như HDPE và composite; tiếp cận nuôi biển đa dưỡng tích hợp, nuôi đa loài theo các mô hình IMTA; cần tích hợp ngành Nuôi biển với các ngành kinh tế khác như du lịch, dầu khí, vận tải biển, khai khoáng… tránh độc quyền đơn ngành, lãng phí tài nguyên biển.
Điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp Nuôi biển
Theo Luật Thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy cho hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Luật Quy hoạch (2017) có hiệu lực từ 01/01/2019 yêu cầu phải điều chỉnh và tích hợp các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó vào hệ thống quy hoạch mới, trong khi đa số các quy hoạch mới có liên quan đến phát triển nuôi thủy sản đều chưa được xây dựng và phê duyệt, gây khó khăn cho việc thực hiện Luật Thủy sản. Không có quy hoạch thì không giao được các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Đây là điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân, khiến cơ quan quản lý Nhà nước các địa phương ven biển bối rối, thậm chí bó tay.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, VSA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương hoàn thành “Quy hoạch không gian biển quốc gia” trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua trong năm nay; các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã có vào Quy hoạch tỉnh, trình Hội đồng nhân dân và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm. Các Quy hoạch cần được xây dựng theo tư duy phối hợp chặt chẽ các ngành kinh tế biển với nhau để có thể tận dụng và phát huy thế mạnh tổng thể đa ngành, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng không gian biển, tránh tư duy cát cứ đơn ngành vẫn thống trị từ trước đến nay.
Thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, ngư dân còn rắc rối
Hiện nay thủ tục giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân sử dụng lâu dài nuôi biển gồm 2 bước: Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi biển do ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/03/2021. Việc thực hiện thủ tục do hai cơ quan Nhà nước thực hiện, chưa kể phải lấy ý kiến của 5 – 7 cơ quan khác với nhiều giấy tờ và thủ tục chồng chéo, rất phiền phức và mất thời gian cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển.
Do vậy, đại diện VSA đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương nên tìm giải pháp nhất thể hóa cơ quan thực hiện thủ tục này.
Ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển
Tiêu chuẩn, quy chuẩn là cơ sở pháp lý kỹ thuật cho quản lý Nhà nước, nhưng riêng đối với lĩnh vực nuôi biển, cho đến nay, ngành nông nghiệp chưa ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết.
Trong 3 năm vừa qua, VSA đã tiến hành xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở số 01:2022/VSA “Cơ sở nuôi cá trên biển theo phương thức công nghiệp”, đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và ngư dân, sẽ hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong tháng 10/2022.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cần thiết nhất cho nuôi biển công nghiệp ngay trong các năm 2023 – 2025.
Đăng ký, đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển
Chưa có cơ quan Nhà nước nào được phân công chịu trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm cho loại hình cơ sở, phương tiện phục vụ nuôi trên biển; tài sản của các cơ sở nuôi biển chưa được định giá tương xứng một cách hợp pháp để làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm, vay vốn ngân hàng, đấu giá, chuyển nhượng hay thừa kế gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý Nhà nước.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT quyết định giao trách nhiệm cho Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và đổi tên cơ quan này thành Trung tâm Đăng kiểm Thủy sản. Trên cơ sở đó, Trung tâm cần khẩn trương xây dựng và ban hành các thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các cơ sở nuôi biển, phương tiện nuôi biển, cơ sở phục vụ nuôi trên biển.
Bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển
Các cơ sở nuôi trên biển chưa hề được bảo hiểm, do các công ty bảo hiểm không thể chấp nhận rủi ro khi chưa có được các cơ sở pháp chế kỹ thuật để thực hiện. Để giải quyết tình trạng này, cần thực hiện việc xây dựng các cơ sở pháp chế kỹ thuật quản lý lĩnh vực nuôi trên biển, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm cho các cơ sở và phương tiện nuôi trồng thủy sản trên biển, cũng như các cơ sở và phương tiện phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Chính sách hỗ trợ nuôi biển
Ngay từ khi thành lập năm 2016, VSA đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng trình Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản ban hành năm 2014, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển, và đã hợp tác chặt chẽ với Tổng Cục Thủy sản xây dựng Dự thảo Nghị định. Trong đó có chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư dành cho tổ chức, cá nhân đầu tư mới cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển. Chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn cho lao động làm việc tại cơ sở, bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với tài sản của cơ sở nuôi trồng thủy sản biển, cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống cá biển, bảo hiểm rủi ro đối với thủy sản nuôi tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiệp hội đề nghị hỗ trợ cho nhóm đối tượng quan trọng và đông đảo nhất là hợp tác xã và hộ ngư dân nuôi biển chuyển đổi vật liệu lồng bè truyền thống sang các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường tạo nên sản lượng nuôi biển có giá trị lớn nhất.
Đào tạo nhân lực nuôi biển
Nhân lực được đào tạo là điều kiện tiên quyết để phát triển một lĩnh vực kinh tế bền vững nhưng từ trước đến nay, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo nhân lực trong nước cho ngành công nghiệp nuôi biển cả ở trình độ công nhân, trung cấp, cao đẳng lẫn đại học.
Trong những năm qua, VSA đã phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) thành lập nhóm chuyên gia đầu ngành nuôi hải sản, tập hợp đội ngũ hàng chục chuyên gia trên cả nước. Hiệp hội cũng đã làm việc với ĐH Nha Trang và ĐH Cần Thơ về thành lập Chuyên ngành Kỹ sư Nuôi biển Công nghiệp, dự kiến bắt đầu đào tạo từ năm 2023.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần xây dựng chính sách hỗ trợ thường xuyên cho sự đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển công nghiệp.
Xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản
Cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể chính của nghề cá thương mại bền vững. Ngành hàng thủy sản đến nay có 9 tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh. Các tổ chức này đã phát huy tác dụng vận động và tổ chức các cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân phát triển ngành, song hoạt động gần như hoàn toàn tách biệt nhau, thiếu phối hợp và hợp tác chặt chẽ, thậm chí còn cạnh tranh nội bộ không lành mạnh.
Mới đây, VSA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ chủ trương vận động thành lập Liên hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VSF) tập hợp tất cả các hiệp hội của ngành thủy sản hoạt động trên phạm vi toàn quốc và các hội, hiệp hội thủy sản địa phương. Việc thành lập Liên đoàn sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng Quỹ Phát triển Ngành Thủy sản Việt Nam tạo ra một nguồn vốn phi ngân sách tập trung đủ lớn, được quản lý theo phương thức hợp tác công tư (PPP).
Kết luận bản tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh Nhà nước cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển bền vững Nuôi biển Việt Nam nhằm giảm bớt sức cản, tạo động lực mới, giúp các chủ thể nuôi biển có được sức bật mới, thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản thuận lợi và đúng hướng, tạo phương thức mới để phát triển bền vững trong tương lai./.