Nữ CEO 8X bất ngờ từ nhiệm khỏi vị trí CEO ngân hàng PGBank sau 5 tháng bổ nhiệm, ghế “nóng” vẫn còn để trống

Quang Phúc

25/04/2024 11:34

Vừa qua (19/4), bà Đinh Thị Huyền Thanh, Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát Triển (PGBank) bất ngờ có đơn xin từ nhiệm.

Theo đó, bà Thanh có đơn xin rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc rời khỏi Thành viên HĐQT của bà Thành sẽ có hiệu lực khi được ĐHCĐ thông qua. Đồng thời, bà Thanh cũng xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc PGBank kể từ ngày 25/4/2024.

Đáng chú ý, bà Thanh mới gia nhập PGBank từ tháng 7/2023 và được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc từ tháng 11 cùng năm. Như vậy, nữ Tổng giám đốc này đã rời ngân hàng chỉ sau hơn 5 tháng giữ vai trò lãnh đạo cao nhất trong Ban điều hành ngân hàng.

Trước bà Thanh, 2 lãnh đạo của PGBank cũng vừa có đơn từ nhiệm là ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên HĐQT độc lập và ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc.

Được biết, bà Đinh Thị Huyền Thanh (SN 1981), tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng (Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan) và có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Bà từng đảm nhận các vị trí quan trọng tại Ngân hàng RaboBank ở Hà Lan và Mỹ, cũng như tại Techcombank. Tháng 7/2023, bà Đinh Thị Huyền Thanh gia nhập PGBank với vai trò Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực.

Tháng 8/2023, bà Huyền Thanh chính thức được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực.

z5374882106747-b738ab49ff60b21d04c527ae1c2ca27b-1713847069.jpg
Bà Định Thị Huyền Thanh vừa mới xin từ nhiệm vị trí CEO của PGBank. Ảnh: NQL

Ngày 23/10/2023, HĐQT PGBank đã thông qua việc bổ nhiệm bà Thanh - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 -2025 đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc của Ngân hàng.

Đến ngày 17/11/2023, bà Đinh Thị Huyền Thanh được PGBank bổ nhiệm là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng.

Thời gian vừa qua, PGBank cũng vừa trải qua một loạt thay đổi lớn. Cụ thể, cổ đông lớn là Petrolimex thoái vốn dẫn đến việc nhà “bank” phải thay đổi tên, trụ sở chính, nhận diện thương hiệu.

Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2023, ngân hàng này báo lỗ 4,6 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, PGBank đạt lợi nhuận 283 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đạt gần 55.500 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Nợ xấu của ngân hàng ở mức 905 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,56%, không thay đổi so với một năm trước đó.

Mới đây, PGBank đã hoàn tất phát hành 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lệ phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 15 cổ phiếu sẽ nhận thêm 4 cổ phiếu mới. Dự kiến sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024 được công bố, PGBak ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế là 92,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sụt giảm lãi thuần từ các mảng phi tín dụng và chi phí hoạt động tăng 17% khi số nhân viên bình quân của ngân hàng tăng 13% so với cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2024 được tổ chức ngày mới đây (20/4) tại Ninh Bình, PGBank đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng thu thuần của PGBank được kỳ vọng ở mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kế hoạch khác gồm: tổng tài sản tăng lên 63.503 tỷ đồng, cao hơn 14% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng dự báo sẽ tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng, trong khi tổng huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%. 

Tuy nhiên tại đại hội, lý giải về nguyên nhân lợi nhuận trước thuế không đạt kế hoạch, nhà băng này cho biết quy mô dư nợ tín dụng bình quân không đạt kế hoạch, thị trường kinh doanh có nhiều khó khăn, việc tìm kiếm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt trên thị trường cạnh tranh giữa các ngân hàng rất cao, lãi suất cho vay giảm theo định hướng của NHNN nhưng lãi suất huy động chưa giảm tương ứng; thu nhập ngoài lãi giảm do thu phí dịch vụ, thu từ hoạt động bảo hiểm giảm do khó khăn chung của thị trường.

Ngoài ra, do PGBank thay đổi cơ cấu cổ đông, định hướng hoạt động nên cần thời gian rà soát, sắp xếp lại các hoạt động cho phù hợp chiến lược mới.

Tại đại hội lần này, có sự xuất hiện của một nhân tố đó là ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công (TC Group). Trước đó, ông Tuấn cũng từng tham dự ĐHĐCĐ bất thường của PGBank hồi tháng 10/2023. Trả lời về sự xuất hiện của ông Tuấn, phía PGBank cho hay, TC Group là một trong những đối tác chiến lược của ngân hàng. Vì vậy, TC Group sẽ tham gia ý với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo tìm hiểu, PGBank hiện chỉ có 3 cổ đông lớn là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức. Ba doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, cả 3 pháp nhân này đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.

Quang Phúc