Ôtô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam liệu có khả thi?

Luật sư NGUYỄN HỒNG LÂM

02/10/2024 11:46

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong chuỗi sự kiện kỳ họp thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long cho biết, Trung Quốc đề nghị có cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp ôtô nước này mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Vậy Trung Quốc đầu tư vào thị trường ôtô Việt Nam liệu có khả thi?

1-1727844258.png
Một dòng xe ô tô điện của Trung Quốc được phân phối tại Việt Nam.

Theo thông tin mới đây của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 có 15.061 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu, đạt tổng trị giá 299 triệu USD. Đáng chú ý là cùng với thị trường Thái Lan và Indonesia, Trung Quốc là thị trường mới mà Việt Nam nhập khẩu ô tô, với tổng số xe là 14.597 chiếc, chiếm 97% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong đó nhập khẩu xe từ Trung Quốc là 2.443 chiếc, riêng với ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 1.223 chiếc, trên tổng số 12.334 chiếc được nhập khẩu từ ba thị trường trên.

Không chỉ nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều hãng ô tô của Trung Quốc cũng đang có tham vọng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện thị trường ôtô Việt Nam có tám hãng ôtô Trung Quốc đầu tư sản xuất ôtô là BYD, Geely, Chery, Great Wall, Haima, Zhidou, SAIC, Wuling. Gần nhất, Geely ký hợp đồng liên doanh với Tasco xây nhà máy tại Thái Bình, vốn đầu tư 168 triệu USD. 

Sắp tới, thị trường còn có thêm những cái tên từ Trung Quốc như Omoda, Jaecoo (thuộc Chery) hay Aion. Những hãng này dự kiến ra mắt vào cuối 2024.

Thương hiệu ôtô Zhidou của Trung Quốc cho biết sẽ liên doanh với một đối tác trong nước để lắp ráp xe tại Việt Nam, logo và tên thương hiệu được tùy biến riêng cho thị trường Việt. Nếu như đúng kế hoạch, Zhidou sẽ thay thế Hongguang Mini EV trở thành mẫu ôtô giá rẻ nhất thị trường. Xe điện Zhidou A01 có kế hoạch bán tại Việt Nam, tốc độ tối đa 50 km/h, đi được hơn 100 km khi sạc đầy.

MG, hãng xe Anh Quốc hiện thuộc sở hữu của SAIC (Trung Quốc) có doanh số cao sau nửa đầu 2024. Lượng xe của hãng trong giai đoạn này đạt hơn 4.600 chiếc, nhiều hơn cả năm trước đó. Hãng có những mẫu nhập Trung Quốc về bán tại Việt Nam như MG5 New, RX5, EV4. Riêng doanh số MG5 (gồm MG5 nhập Thái và MG5 New nhập Trung Quốc) là hơn 1.500 chiếc.

Theo các chuyên gia, sở dĩ lượng xe ôtô từ Trung Quốc nhập vào thị trường Việt tăng mạnh trong những năm gần đây là bởi các sản phẩm đến từ Trung Quốc luôn có một lợi thế rất lớn, đó là giá bán. Hầu hết các mẫu xe Trung Quốc có giá bán thấp hơn so với các mẫu xe của các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này giúp các hãng xe Trung Quốc thu hút được nhiều khách hàng mua xe lần đầu tiên.

Ngoài ra, các hãng xe Trung Quốc cũng có lợi thế về công nghệ. Trong những năm gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, mang đến cho khách hàng những mẫu xe với thiết kế hiện đại, trang bị tiện nghi và an toàn cao.

Do vậy sự xuất hiện của các thương hiệu Trung Quốc luôn mang đến sự cạnh tranh khốc liệt với áp lực lớn tại các thị trường ô tô trên thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi việc không đơn giản như vậy. Trong quá khứ đã có không ít những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ngậm “trái đắng” ở thị trường Việt Nam.

Có thể kể đến Lifan Motors đã từng đột phá vào Việt Nam vào năm 2006 với mẫu sedan Lifan 520 có giá bán tầm 16.000 USD, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho các nhà sản xuất Trung Quốc mạo hiểm vào Việt Nam. Tuy nhiên, những chiếc xe của Lifan đã gặp phải vấn đề về chất lượng, sản phẩm thường đến các cửa hàng sửa chữa trong năm đầu tiên sử dụng.

Sau thất bại này, các công ty khác như Chery, MG, Haima Automobile, Zotye Auto và BAIC cũng đã nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng đều vấp phải những phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng Việt Nam.

Thực tế hiện vấn đề lớn mà các hãng xe Trung Quốc phải đối mặt khi “thâm nhập” thị trường Việt Nam đó là tháo gỡ nút thắt về hệ thống phân phối và tâm lý của người tiêu dùng.

Nhìn chung, trong tương lai gần, xe ôtô “Made in China” chưa chắc tạo được niềm tin cho người dùng Việt Nam, xe Trung Quốc nhập vào Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới khi các hãng xe nước này qua giai đoạn làm quen thị trường và mạng lưới đại lý được mở rộng.

Luật sư NGUYỄN HỒNG LÂM