Ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Kim Ngân

01/01/2023 11:35

Gần nửa tháng từ nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình sau hơn 30 năm nắm giữ để tạo cơ hội cho con trai, hôm nay ngày 1/1/2023 ông Lê Viết Hải đã quay trở lại vị trí này.

HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) thông qua qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 1/1/2023 và từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải.

Đồng thời, HĐQT hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mà ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch.

 Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT.

le-viet-hai-1670957866.jpg
Ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.

Theo Tập đoàn Hòa Bình, việc hoãn thi hành các nội dung trên nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới trong việc thực thi các quyết định nêu trên. Đồng thời, Tập đoàn muốn đảm bảo thông suốt mọi hoạt động trong thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 đang cận kề.

Trước đó, vào ngày 14/12/2022 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 01/01/2023. Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 01/01/2023.

Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ Đại hội đồng Cổ đông năm 2023 sắp tới.   

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa kỷ niệm 35 năm thành lập với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 7.500 và 350 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn 10.900 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. 

Đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 18.683 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đang xúc tiến thực hiện chiến lược đầu tư, thi công xây dựng hướng ra nước ngoài.

Bốn thị trường nước ngoài mà Hòa Bình hướng đến là Canada, Australia, Mỹ, châu Âu. Các thị trường này được lãnh đạo công ty đánh giá có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt, giá xây dựng rất cao.

Lãnh đạo công ty kỳ vọng giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn cho Hòa Bình. Để đầu tư ở một quốc gia mới, Hòa Bình dự kiến triển khai 3 hướng: (1) Không đầu tư vào dự án, (2) Tham gia với tư cách là nhà đồng phát triển dự án, (3) Mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương. Trong đó, Hòa Bình sẽ ưu tiên tập trung vào giải pháp 2 và 3.

Về giải pháp tham gia phát triển dự án với tư cách nhà đồng phát triển, Hòa Bình đã xác định hơn 20 dự án khả thi, trong đó 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Nguyên tắc của Hòa Bình là đầu tư vào dự án với tỷ lệ không quá 20%.

Về phương án M&A, công ty sẽ thực hiện mua lại công ty xây dựng địa phương với tỷ lệ chi phối. Dự kiến giai đoạn 2022 - 2024, Hòa Bình tập trung đầu tư phát triển dự án và mua lại nhóm công ty đầu tiên. Sau đó giai đoạn 2024 - 2026 là khoảng thời gian tạo ra lợi nhuận.

Kim Ngân