Những sai lầm của nhà quản lý thường gặp khi đưa ra quyết định

Thảo Hương (tổng hợp)

25/06/2023 05:51

Với vai trò của một nhà quản lý, thường xuyên sẽ phải đối mặt với việc đưa ra các quyết định. Việc đưa ra quyết định đúng, kịp thời sẽ giúp cho sự phát triển của cá nhân và tập thể. Ở chiều ngược, quyết định sai sẽ mang đến những thảm họa khó lường trước được.

Dưới đây là những sai lầm nhà quản lý thường mắc phải khi đưa ra quyết định, hãy cùng tham khảo và phòng tránh.

Hạn chế do tầm nhìn

Đây là một trong những tình huống thường gặp khi bạn là người chịu trách nhiệm cho những dự án, kế hoạch mang tính dài hạn và cần phải đưa ra những quyết định nhằm bảo đảm tính hiệu quả đường dài của những dự án này. Sai lầm bạn có thể mắc phải đó chính là tầm nhìn ngắn hạn do chỉ để ý đến những dữ liệu, lợi ích ngắn hạn trước mắt mà bỏ qua chặng đường còn lại.

Điều này hay xảy ra khi những kế hoạch với cột mốc 10 năm, 20 năm nhưng bạn thay vì mở rộng suy nghĩ, nghiên cứu cho khoảng thời gian tương lai thì lại tự hạn chế tầm nhìn bản thân, chỉ chăm chăm vạch ra phương hướng cho vài năm đầu với suy nghĩ “đến đâu hay đến đó”.

Đây là yếu tố khiến cho việc ra quyết định thiếu chính xác, dễ gặp thất bại và là lí do khiến các ứng viên tìm việc không mặn mà với việc trở thành nhân viên của bạn.

604110793-1687646920.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Quá dựa dẫm vào kinh nghiệm từ quá khứ

Giáo sư kinh tế Sydney Finkelstein viết trong một cuốn sách của ông rằng "Các lãnh đạo thường dựa vào kinh nghiệm của mình. Điều đó hoàn toàn có thể rất hữu dụng, nhưng thật ra lại rất nguy hiểm. Chúng ta không nên quá đề cao kinh nghiệm, bởi vì những kinh nghiệm có được không hẳn phù hợp với tình hình hiện tại nữa".

Nhận xét này giải thích tại sao lãnh đạo thường có những khó khăn khi họ sang đầu quân cho một công ty khác. Vì, lãnh đạo đã thành công ở công ty cũ không có nghĩa là họ có thể áp dụng những kinh nghiệm có được ở công ty mới. Chính vì thế, lãnh đạo cần phải có một "tâm lý mở" để có thể cập nhật tình hình, tìm hiểu đồng nghiệp mới cũng như những tài nguyên có trên "đất mới".

Đừng quá áp đặt những phương pháp cũ mà lại trông đợi những kết quả tương tự. Nhà quản lý nên tôn trọng những nhân viên hiện tại của mình và những thay đổi ở nơi làm mới; nếu không sẽ rất dễ mắc lỗi trong quyết định.

Không có mục đích rõ ràng

Khi chưa có mục đích và không mong đợi một kết quả rõ ràng, sẽ rất khó để lãnh đạo có thể ra quyết định đúng. Có một mục đích rõ ràng sẽ giúp lãnh đạo biết được mình mong đợi điều gì rồi mục đích này sẽ dẫn đường cho một quyết định.

Bên cạnh đó, không có mục tiêu rõ ràng khiến nhà quản lý mất đi khả năng phân tích rủi ro và ra quyết định khi mà không có cái gì để có thể "soi đường dẫn lối" cho quyết định ấy.

ky-nang-dua-ra-quyet-dinh-2-1687646920.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Nhầm lẫn vấn đề chính cần giải quyết

Đối với bất kỳ trục trặc, khó khăn nào gặp phải, bước đầu tiên và quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần phải làm đó chính là xác định chính xác vấn đề trọng tâm cần giải quyết sau đó mới đưa ra hướng khắc phục.

Thế nhưng trên thực tế, do áp lực từ nhiều yếu tố như thời gian, áp lực từ cổ đông, khách hàng…, nên người quản lý sẽ rơi vào trạng thái rối rắm dẫn tới tình trạng việc cần thì chưa giải quyết ngay, lại tập trung vào những vấn đề ít quan trọng hơn.

Từ đó, tình hình càng trở nên tệ hơn khi những sai lầm nối tiếp nhau, làm rối loạn cả một hệ thống và dù cho tốn rất nhiều tiền của, công sức nhưng vẫn chưa giải quyết ổn thỏa.

Quyết định dựa trên cảm xúc, thành kiến chủ quan

Sai lầm này hay gặp phải ở những vị lãnh đạo không làm chủ tốt cảm xúc, dễ cảm tính khi đưa ra quyết định. Do đặc thù về tính cách và suy nghĩ nên không ít lần bạn đã để cảm xúc lấn át trong thời khắc đưa ra quyết định quan trọng.

Ví dụ, bạn bổ nhiệm người này chỉ vì họ là đồng hương trong khi người kia mới thực sự xứng đáng bởi năng lực và bản lĩnh công việc. Hoặc những người quản lý có định kiến gia trưởng nên đã áp đặt suy nghĩ chủ quan vào trong những quyết định, hoặc vì “yêu thích” cá nhân mà dẫn đến tư duy sai lệch khi đưa ra những chính sách, quyết định không phù hợp với tính tập thể, tổ chức.

ky-nang-dua-ra-quyet-dinh-3-1687646920.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Bỏ qua kinh nghiệm từ những sai lầm ở quá khứ

Kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ vừa là cơ hội nhưng cũng là thử thách khi bạn không biết vận dụng sao cho đúng trong từng trường hợp nhất định.

Cụ thể, cùng một vấn đề đã từng gặp phải nhưng do sự khác biệt về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường doanh nghiệp cũng khác nhưng bạn lại chọn phương án xử lý giống hoàn toàn so với quyết định trong quá khứ hoặc ngược lại.

Đây là biểu hiện của sự thiếu tinh tế, nhạy cảm ở một nhà quản lý - người nên luôn có những đúc kết sắc sảo, thông minh trong từng bước đi. Không những phải tỉnh táo để phán đoán và phân tích tình huống mà bạn còn cần phải biết linh động đưa ra những định hướng quyết định vừa có tính kế thừa kinh nghiệm lại phù hợp với bối cảnh hiện thời.

Thảo Hương (tổng hợp)