Những mầm sâm xanh quý giá vươn mình trên đỉnh Ngọc Linh

Cao Nguyên

10/11/2021 09:26

Được ví như “quốc bảo” của Việt Nam, hàng chục năm qua, trên đỉnh Ngọc Linh những mầm xanh của sâm vẫn ngày một vươn mình để lưu giữ và phát triển nguồn dược liệu quý trên mái nhà của sâm.

Nhung mam sam xanh quy gia vuon minh tren dinh Ngoc Linh hinh anh 1Vườn ươm cây sâm Ngọc Linh tại Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. 

 

Sau một năm gieo hạt, những mầm xanh của cây giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum bắt đầu chu kỳ rụng lá, người trồng sâm hay gọi là cây “ngủ đông."

Để giúp cây giống sinh trưởng, phát triển, cây giống từ vườn ươm được di thực trồng nơi khác.

Đánh thức “Quốc bảo”

Sâm Ngọc Linh được nhiều người ví như “Quốc bảo” của Việt Nam. Hàng chục năm qua, trên đỉnh Ngọc Linh, những mầm xanh của sâm vẫn ngày một vươn mình để lưu giữ và phát triển nguồn dược liệu quý trên mái nhà của sâm.

Hàng năm, đầu mùa mưa người dân sẽ tiến hành vụ trồng sâm mới. Tuy nhiên, với những người trồng sâm ở Kon Tum, những năm gần đây, vụ trồng mới thường tiến hành chậm hơn so bình thường.

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, đơn vị đang trồng 20ha cho biết cuối tháng 10 đầu tháng 11, mới tiến hành vụ trồng mới.

Cây con phát triển củ sâm từ tháng Ba, nuôi củ sâm được năm tháng mới mang đi trồng. Lúc này, củ sâm to, khi trồng sẽ phát triển tốt, hạn chế chết. Ngoài ra, thời tiết tháng Năm mưa, đất ướt, không tốt, làm yếu rễ.

Tại vườn gieo ươm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, vụ trồng chỉ mới bắt đầu từ những ngày đầu tháng 11. Khi cây sâm giống bắt đầu ngủ đông, việc trồng sâm mới lại vào vụ. Cây giống là những cây con được gieo bằng hạt với mật độ dày tại vườn ươm.

Mỗi vườn ươm có diện tích 3-4m2 nhưng có cả nghìn cây con. Việc nhổ cây được làm thủ công, bằng tay. Mọi người dùng tay xới nhẹ lên mặt đất để lấy cây giống, làm từ dưới lên, theo hàng để tránh chồng chéo.

Nhung mam sam xanh quy gia vuon minh tren dinh Ngoc Linh hinh anh 2Công nhân Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum nhổ sâm giống tại vườn ươm để đi trồng. 

 

Theo anh A Hem, công nhân của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh 15 năm thì khi nhổ, phải làm nhẹ nhàng, dùng bằng tay để bảo vệ bộ rễ, nhặt từng cây. Hạt giống khi gieo nông, cạn nên khi nhổ cây chỉ cần bới nhẹ là được. Khi nhổ lên, phải trồng ngay. Cây giống nhổ, để hai, ba ngày cây sẽ yếu.

Vườn ươm, mật độ cây giống dày. Với cây còn lá, dễ nhổ, tìm, số còn lại rụng lá (ngủ đông), mọi người phải tìm kỷ, không bỏ sót. Sau khi nhổ cây con, các ô vườn ươm được công nhân dùng lá khô phủ lên bề mặt.

Theo những người trồng sâm, việc phủ lá lên để tạo mùn, thêm dinh dưỡng cho đất. Cùng đó, những cây bị sót khi nhổ có thể phát triển được. Với vườn ươm, sau khi nhổ cây, đất để trống, không trồng trong 1 năm nhằm giúp đất phục hồi. Cây giống sau khi nhổ, các công nhân sẽ bó vào lá chuối đưa đi trồng. Mỗi bó có 100 cây con. 

“Mình phải làm nhẹ nhàng, cây giống, nhổ lên, bỏ vào lá chuối để không hư củ, ảnh hưởng bộ rễ để cây có sức sống khi đem trồng. Việc trồng mới phải kết thúc trong tháng 11 nên cây giống khi nhổ phải trồng ngay,” ông A Niên, làng Đăk Viên xã Tê Xăng, là công nhân của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum khẳng định.

Hiện mỗi cây sâm giống giá khoảng 300.000 đồng/cây. Tuy nhiên, người dân chủ yếu ươm trồng, ít bán ra thị trường nên cây giống rất khan hiếm.

“Nhà mới” của sâm

Trước khi đưa sâm giống đi trồng, việc chuẩn bị đất phải được làm cẩn thận tại “nhà mới” của sâm.

Cụ thể, người công nhân phải làm đất, xới, ủ, tạo mùn cho đất. Ông A Brít, làng Đăk Viên xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, cho biết trước khi đưa cây con đi trồng, phải tìm mùn bón cho đất. Mùn được lấy từ các cây gỗ mục trên rừng. Có mùn sẽ có thêm dinh dưỡng cho đất, tạo độ xốp và phải lấy thêm lá rừng, ủ lên mặt. Vì trồng số lượng lớn nên tìm cây gỗ mục không dễ và phải tìm trên rừng.

Khác với đất để ươm cây, “nhà mới” của sâm sẽ có mật độ trồng thưa hơn. Khoảng cách giữa các cây khoảng 20-30cm. Sau khi cây đưa đến, các công nhân cẩn thận dùng tay móc từng hố nhỏ, cây con khi đưa vào hố trồng sẽ được phủ đất lên. Cũng như lúc gieo, cây được trồng nông, độ sâu chỉ khoảng 2cm. Sau khi trồng xong, người công nhân sẽ “lợp mái” cho “nhà mới” của sâm. Theo đó, công nhân sẽ dùng tre giăng lưới, màn để che, tránh mưa đá, cành cây rừng gãy đỗ.

“Ngoài thiên nhiên, thời tiết khi mưa đá khiến cây ngã đổ, thì cây sâm còn bị xâm hại bởi nhiều loại động vật. Như chuột rất thích ăn củ, hạt sâm nên sau khi trồng chúng tôi phải quây tôn quanh vườn để tiếp tục bảo vệ khỏi sự phá hoại của chuột. Mỗi 'nhà' sẽ đặt bẫy riêng và ban đêm còn đi soi chuột để tránh nó phá sâm. Ngoài chuột còn có các loài thú nhỏ khác đến phá nên sau khi sâm được trồng, phải rào chắn kín, thú rừng nó phá miết thôi," ông A Brít khẳng định.

Nhung mam sam xanh quy gia vuon minh tren dinh Ngoc Linh hinh anh 3Công nhân Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

 

Để có một củ sâm đến với người tiêu dùng, người trồng sâm mất ít nhất bảy năm trồng, chăm sóc với những công đoạn tỉ mỉ, không rời xa một ngày. Người trồng sâm gần như ăn ngủ trên rừng.

“Sâm Ngọc Linh chỉ trồng ở núi Ngọc Linh mới đem lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Sâm Ngọc Linh đem đi trồng ở vùng khác thì không giống như sâm Ngọc Linh nữa, mà nó thành sâm khác. Thổ nhưỡng, khí hậu, tính đặc hữu nơi đây khác so với mọi miền của đất nước. Chăm sóc sâm Ngọc Linh ngoài việc vất vả thì còn may rủi. Cây rừng đổ gãy, chim, chuột phá… Mùn không phải có sẵn, nhiều lúc phải đi xa mới có," anh A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông, người có thâm niên 25 năm trồng sâm ở núi Ngọc Linh khẳng định.

Cũng theo những người trồng sâm Ngọc Linh, khi gieo hạt, tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 60-70%. Khi trồng, tỷ lệ sống giảm theo từng năm. Từ lúc trồng, đến khi thu hoạch, tỷ lệ sống chỉ còn 30-40% số cây. Dù nói là sâm trồng nhưng thực tế cây giống được gieo bằng hạt, trồng tự nhiên trên rừng. Quá trình trồng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

“Đợt này chúng tôi chỉ trồng hơn 1 triệu cây. Để có được một cây con, người trồng sâm phải bao đêm thức trắng lo cây giống trước thiên tai, thời tiết, muôn thú như chim, chuột, sóc để giữ được mần xanh. Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hiện rất hiếm, đây là nguồn gene quý cho mai sau” - lãnh đạo của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum khẳng định.

Để cây sâm ngọc linh đến được với người tiêu dùng, những người trồng sâm phải mất ít nhất bảy năm ăn, ngủ trên rừng cùng sâm để có được thành quả.

Cao Nguyên