Nợ thuế, chiếm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, bị rút giấy phép kinh doanh
Theo tìm hiểu PV Tạp chí Nhà Quản Lý, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (sau đây gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil - PV) thành lập ngày 31/05/2005, trụ sở chính tại phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM. Công ty được cấp phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu hai lần vào năm 2016 và 2021. Nằm trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 05 năm.
Năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil không được hải quan giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là do công ty chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỷ đồng. Vì vậy, Cục Thuế TP. HCM đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Xuyên Việt Oil theo quy định tại Nghị định 126/2020.
Đáng chú ý, tại kết luận thanh tra được Bộ Công Thương thực hiện hồi đầu năm 2022, công bố vào cuối năm ngoái, đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, một trong những điều kiện quan trọng để Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…
Trong đó, để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể là Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.
Thế nhưng, điều đáng nói là, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
“Điều này là không đúng quy định”, Bộ Công Thương khẳng định đồng thời kết luận Công ty Xuyên Việt chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).
Năm 2021, công ty này không đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương. Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 04 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý…
Năm 2022, Bộ Công Thương đã thanh tra Công ty Xuyên Việt Oil. Với nhiều vi phạm, công ty bị Bộ Công Thương xử phạt hành chính 390 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong 1,5 tháng (từ 10/8-13/9/2022).
Tháng 7/2023, Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil và 3 doanh nghiệp đầu mối khác. Sau đó, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Xuyên Việt Oil, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp ngay toàn bộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Một tháng sau, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp ngay toàn bộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Quyết định xử lý được đưa ra trên cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng của Xuyên Việt Oil về việc không khắc phục các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về Quỹ Bình ổn giá như phản ánh từ Bộ Tài chính.
Tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cùng một số cơ quan, tổ chức có liên quan.
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế đợt 2 năm 2023. Danh sách đứng đầu nợ thuế là Công ty Xuyên Việt Oil với số nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng.
Bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, Giám đốc) và Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992, Phó giám đốc) bị cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Ngoài tội danh áp dụng khi khởi tố 2 lãnh đạo Xuyên Việt Oil, Bộ Công an còn điều tra trách nhiệm những người liên quan về các tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ: Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Đến ngày 14/12/2023, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre). Ông Lê Đức Thọ tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng…
Xuyên Việt Oil liên tục tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 50 tỷ đồng năm 2016 đến giữa tháng 8/2022 tăng 60 lần lên 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 4/2016, vốn Xuyên Việt Oil đạt 50 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm 95%, Đỗ Thị Bảo Khuyên nắm 5%. Đến tháng 12/2016, Công ty tăng vốn lên 200 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu vẫn bà Hạnh nắm 95% và bà Khuyên năm 5%.
Vào tháng 4/2017, bà Đỗ Thị Bảo Khuyên chuyển 5% sở hữu sang cho cổ đông mới là Hoàng Minh Trọng. Sau đó một tháng, cơ cấu sở hữu Công ty tiếp tục biến động khi cổ đông Hoàng Minh Trọng thoái vốn và xuất hiện bà Mai Thị Ngọc Trinh với vốn góp 40 tỷ đồng (20%) và bà Mai Thị Hồng Hạnh góp 160 tỷ đồng (80%).
Đến tháng 4/2019, Xuyên Việt Oil tăng vốn lên 900 tỷ đồng, sau đó 6 tháng công ty tăng vốn tiếp lên 1.100 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu vẫn là bà Hạnh nắm 80% và bà Trinh góp 20%.
Và đến lần thay đổi thứ 14 ngày 09/08/2022, vốn Công ty tăng lên 3.000 tỷ đồng, trong đó bà Mai Thị Hồng Hạnh nắm tới 98% vốn, bà Mai Thị Ngọc Trinh nắm 2% vốn còn lại.
Theo báo cáo tài chính của Xuyên Việt Oil, quá trình hoạt động gần đây, doanh nghiệp này không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tính đến 31/12/2022, Xuyên Việt Oil nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước tổng cộng hơn 1.300 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đi lùi khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỷ đồng, giảm 10.446 tỷ đồng (46,7%) so với năm 2021. Lợi sau thuế lỗ 800 tỷ đồng, năm trước đó lỗ 720 tỷ đồng. Nâng lỗ lũy kế lên 3.533 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 533 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil chỉ còn là 8.483 tỷ đồng, giảm 3.672 tỷ đồng, tương đương 30,2% so với cuối năm 2021.
Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là chí tiêu suy giảm nhiều nhất khi chỉ còn 0 đồng hồi cuối năm 2022 dù cuối năm 2021 vẫn là 5.077 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 372 tỷ đồng xuống 212 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, trong khi nợ phải trả giảm sâu, giảm 3.873 tỷ đồng, tương đương 30% xuống 9.015 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng mạnh, tăng 3.460 tỷ đồng, tương đương 145% lên 5.844 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù nợ vay tăng tới 145% nhưng chi phí lãi vay lại giảm 102 tỷ đồng, tương đương 61,5% xuống chỉ còn 63,9 tỷ đồng.
Đa số các chỉ tiêu chính đều kém lạc quan nên dòng tiền của Xuyên Việt Oil rất yếu. Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 14.362 tỷ đồng.Tuy nhiên,nhờ động thái thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và tiền đi vay, tình trạng âm dòng tiền của Xuyên Việt Oil được cải thiện. Cuối năm 2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty còn âm 160 tỷ đồng.
Do thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu nên Xuyên Việt Oil rơi vào tình trạng gặp khó về dòng tiền (cả khả năng thanh toán và khả năng trả nợ đều thấp).
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Công ty ghi nhận tổng tài sản và nợ phải trả là 8.483 tỷ đồng và 9.015 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán tổng quát của công ty là 0,94.
Theo nghiệp vụ kế toán, hệ số khả năng thanh toán nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp. Chỉ số càng tiến dần về 0 cũng đồng nghĩa doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu không có giải pháp phù hợp, việc phá sản có thể xảy ra.
Không phải lần đầu tiên hệ số khả năng thanh toán tổng quát của Xuyên Việt Oil nhỏ hơn 1. Hồi cuối năm 2021, hệ số này cũng là 0,94.
Cùng lúc đó, tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của công ty là 7.422 tỷ đồng và 9.015 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 0,82. Theo nghiệp vụ kế hoán, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Hồi cuối năm 2021, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Xuyên Việt Oil cũng nhỏ hơn 1 khi đạt 0,86.
Xuyên Việt Oil thua lỗ triền miên, vì sao dòng tiền BIDV… vẫn liên tục rót vào?
Trong bối cảnh Xuyên Việt Oil đã rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu âm nặng dòng tiền, khả năng thanh toán và trả nợ đều dưới 1. Dù vậy, Xuyên Việt Oil vẫn phát sinh nhiều giao dịch đảm bảo với các ngân hàng thương mại. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký nhiều hợp đồng giao dịch đảm bảo trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 29/9/2022, Xuyên Việt Oil ký hợp đồng tín dụng số 02/2022/7191166/SĐBS với BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa của BIDV. Giá trị khoản vay là 2.000 tỷ đồng.
Giá trị tài sản đảm bảo là "toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác giá trị công trình xây dựng trên đất đối với các thửa đất tại Ấp 4 xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành (nay là thị trấn Tân Thành), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và trạm xăng dầu trên đất". Giá trị tài sản đảm bảo là hơn 507 triệu đồng.
Đây không phải hợp đồng duy nhất được hai bên ký kết. Ngày 27/4/2022, hai bên ký hợp đồng số 04/2022/7191166/HĐBĐ. Giá trị khoản vay hoặc nghĩa vụ là 2.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là số dư tiền gửi và khoản tiền lãi của bên cầm cố theo các hợp đồng tiền gửi 50 tỷ đồng... Trong năm 2022, BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa còn ký hợp đồng số 03/2022/7191166/HĐBĐ với Xuyên Việt Oil. Tài sản cầm cố là số dư tiền gửi và khoản tiền lãi của bên cầm cố theo các hợp đồng tiền gửi.
Trước đó trong năm 2020 và 2021, chi nhánh BIDV này cũng từng là nhà tài trợ lớn cho Xuyên Việt Oil với các khoản vay 99 tỷ và 450 tỷ đồng. Tài sản được đăng ký đảm bảo lần lượt là các hợp đồng tiền gửi 97 tỷ đồng và hơn 32,7 triệu lít xăng dầu (đơn giá bình quân 13.751 đồng).
Một ngân hàng khác cũng cung cấp khoản vay là ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Xuyên Việt Oil đã đăng ký 1 xe con thương hiệu Roll Royce và 5 xe chở xăng dầu thương hiệu Hyundai để đảm bảo cho một khoản vay của mình.
Riêng bà Mai Thị Hồng Hạnh, vào tháng 8/2022, nữ đại gia sử dụng ôtô Lexus biển kiểm soát 51F–216.70 và các thiết bị liên quan để để đăng ký đảm bảo cho một khoản vay tại VietinBank chi nhánh 4 TP HCM.