Một số bất cập về công tác quản lý trong hoạt động kinh doanh vàng

Hải Phong

15/01/2024 17:00

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định Nhà nước nắm quyền quản lý và sản xuất vàng SJC đã tác động mạnh đến giá vàng miếng SJC tăng kỷ lục, tạo ra độ chênh bất thường giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

thi-truong-vang-pld-1704953807.jpg

Vàng chỉ nên là 1 loại hàng hoá đặc biệt

Vàng là kim loại quý trong ngành trang sức, điêu khắc và trang trí kể từ khi được xuất hiện trong lịch sử. Trước đây, vàng từng được sử dụng như một loại tiền tệ, thực hiện mọi giao dịch trao đổi ngang giá chung trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, vàng còn được xem là tài sản lưu trữ. Với tính chất ưu việt và được công nhận rộng rãi, vàng đã trở thành một vật chất đặc biệt mang hình thái hàng hóa – tiền tệ trước khi phát minh ra tiền giấy.

Tuy nhiên, hiện nay vàng không còn giữ vai trò như một loại tiền tệ của nền kinh tế. Theo Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nếu xét theo đúng bản chất ban đầu, vàng cũng chỉ là một loại hàng hoá giống như mọi kim loại khác, không đặc biệt đến mức để Nhà nước phải độc quyền. Chưa kể, hiện nay, trên thế giới chưa một đất nước nào có quy định độc quyền về vàng như tại Việt Nam.

Tại các quốc gia khác, vàng là hàng hóa mang tính toàn cầu đặc trưng. Do vàng không chịu ảnh hưởng biến động riêng về tình hình chính trị lẫn kinh tế thị trường ở các quốc gia mà chịu tác động chung của tình hình kinh tế thế giới. Tất cả mọi nơi trên thế giới đều có thể mua bán vàng dễ dàng và đều chấp nhận loại hàng hóa này. Mỗi quốc gia có một loại tiền riêng và giá trị đồng tiền ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Còn đối với vàng, giá vàng trong nước và ngoài nước không có độ chênh lệch quá cao. 

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về đúng bản chất giao dịch hàng hoá, tức là Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý, giám sát thị trường chứ không phải trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh vàng. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể thành lập “sàn vàng” minh bạch, công khai với những điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn của loại hàng hoá quan trọng này đối với nền kinh tế.

Loại bỏ tính độc quyền của vàng miếng SJC trên thị trường

Theo quy định tại Nghị định 24, vàng có 3 dạng: (1). Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. (2). Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. (3). Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

Kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực vào năm 2012, vàng miếng phải do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành đơn vị gia công vàng miếng SJC dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu quốc gia, tức là trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này được công nhận là vàng miếng. 

vang-sjc-pld-1704953807.png
Vàng miếng SJC được công nhận là thương hiệu vàng quốc gia.

Trong những năm gần đây, giá vàng trong nước luôn trong tình trạng biến động mạnh. Có thời điểm giá vàng SJC lên đến trên 80,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Thực trạng này cho thấy giá vàng miếng SJC luôn diễn biến theo kiểu “một mình một chợ”. Tính độc quyền đã tạo ra độ vênh giá rất lớn giữa vàng miếng SJC với nhiều thương hiệu vàng miếng khác, dù cùng chất lượng và trọng lượng như nhau. Đây là điều hết sức phi lý. 

Bởi lẽ, vàng cũng chỉ là một loại hàng hoá được đo lường giá trị bằng hai yếu tố: trọng lượng và tính chất (chất lượng). 1 cây vàng miếng SJC 9999 có trọng lượng 37,5 gram (tương đương với 10 chỉ vàng) so với 10 chiếc nhẫn 1 chỉ 9999 hiệu Kim Thành, cũng là 10 chỉ vàng và trọng lượng 37,5 gram thì dù ở hình dạng nào (miếng, thỏi, nhẫn, bột…) vẫn phải có giá trị hàng hoá ngang bằng nhau. Không thể vì là vàng miếng mang thương hiệu quốc gia mà chênh lệch giá trị lên tới 20%. 

Thị trường vàng trong nước đang bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các doanh nghiệp. Nếu theo Nghị định 24, vàng SJC được coi là vàng miếng, trong khi đó những thương hiệu vàng khác dù cùng kiểu dáng vẫn chỉ được coi là vàng nguyên liệu . Điều đó giống như việc 1kg xúc xích Đức Việt thì được gọi là xúc xích còn 1kg xúc xích thương hiệu khác chỉ là thịt xay mà thôi. Như vậy, việc phân loại vàng thành 3 dạng theo Nghị định 24 có phải điều phi lý, gây bất bình đẳng trong thị trường.

Do đó đã đến lúc trả lại sự bình thường cho vàng miếng SJC như mọi lại vàng miếng khác trên thị trường. Khi đó giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới chứ không chênh lệch gần 20 triệu đồng như vừa qua.

Buôn lậu vàng – hệ quả tất yếu

Khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ khoảng 2% trở lên sẽ phát sinh hiện tượng nhập lậu vàng. Trong khi đó, chênh lệch giá giữa 2 thị trường những năm gần đây cao hơn mức trên rất nhiều. Mức chênh lệch lớn, có lúc đến 20 triệu đồng/lượng là phi lý, sẽ khiến nhập lậu vàng, trốn thuế tăng, gây thất thu ngân sách, chưa kể sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ “chợ đen”.

Ngoài yếu tố chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao, nguyên nhân kích thích tình trạng buôn lậu còn là do sản xuất vàng trang sức hiện rất thiếu vàng nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Trong khi, hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu, điều này chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các doanh nghiệp thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.

Nguồn cung khan hiếm, giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới kéo theo tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Trong khi thị trường vàng trong nước đã đóng cửa thì 3 nước giáp ranh với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. 

Từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục tăng nhiệt, với nhiều vụ bị khám phá với số lượng cực lớn. Số lượng vàng nhập lậu bị phát hiện có vụ đã lên đến hàng trăm kg. Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận. Các đối tượng kiếm lời lớn từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đặc biệt có thời điểm chênh lệch lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng.

Hệ lụy của việc buôn lậu vàng không chỉ là thất thu lớn cho ngân sách, gây “vàng hóa” nền kinh tế, tạo cơ hội cho thị trường mua bán, vận chuyển ngoại tệ tự do phát triển, mà còn tác động trực tiếp tới biến động tỷ giá hàng ngày cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của quốc gia.

Đáng chú ý, trước và sau khi được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thì SJC hay Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn bản chất vẫn là một công ty kinh doanh. Ngoài việc sản xuất vàng miếng mang thương hiệu quốc gia, SJC vẫn sản xuất và kinh doanh các loại vàng khác. Đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Như vậy, nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi nhưng số lượng vàng miếng lưu thông trong thị trường lại không có con số nào cụ thể. 

Trên thực tế đã xuất hiện vàng nhái SJC mà chủ yếu là nhái về hình thức bao bì như kích thước, cỡ chữ, dập nổi… giống nhau lên đến trên 90%. Điều này gây hoang mang cho người mua vàng vì nếu không có kinh nghiệm rất khó có thể phân biệt được bằng mắt thường giữa vàng nhái và vàng không nhái. Hơn nữa, khi mua vàng miếng, người dân cũng không được bóc bao bì nhựa bên ngoài để kiểm tra vàng bên trong vì như thế sẽ làm mất giá trị khi bán ra. 

Có thể hiểu, bao bì bao bọc bên ngoài miếng vàng cũng tương đương với ý nghĩa là dấu niêm phong miếng vàng. Chính vì vậy, nếu khách hàng không để ý trong quá trình mua, vận chuyển hoặc bảo quản khiến cho bao bì đó bị thủng thì miếng vàng đó coi như đã mất niêm phong, không đủ điều kiện để lưu thông. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, người dân chỉ có thể đến cửa hàng của chính SJC để mua, vì chỉ những cửa hàng này mới có máy kiểm định phát hiện vàng nhái. Điều này càng làm tăng thêm tính độc quyền cho thương hiệu vàng miếng SJC, đồng thời hạn chế cơ hội kinh doanh của các thương hiệu vàng khác, làm mất cân bằng thị trường.

Phát huy nguồn lực trong dân để tăng trưởng kinh tế - xã hội

Từ  bao  đời  nay,  vàng  là  loại  tài  sản  giá  trị  lớn,  có  mặt  trong  rất  nhiều  gia  đình  Việt. Tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường quan niệm rằng, vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Trong thời gian dài, tích trữ vàng là hiện tượng khá phổ biến của người dân Việt Nam, cùng với đó, vàng còn được sử dụng làm công cụ định giá và phương tiện thanh toán trong nhiều giao dịch, nhất là những giao dịch tài sản có giá trị lớn như nhà đất, xe cộ, trang thiết bị…

Trở lại những năm gần đây, đặc biệt là từ khi giá vàng trên thế giới biến động tăng cao liên tục và thất thường, người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như một công cụ tiết kiệm nên việc sử dụng khái niệm “vàng hóa” là chưa đúng bản chất. Khái niệm này chỉ xuất hiện khi nào vàng trở thành phương tiện thanh toán. Vì vậy, việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hoá”. 

Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song Nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Trước khi vàng miếng SJC xuất hiện vào năm 2012, người dân Việt Nam tích trữ bằng các loại vàng khác như: Kim Thành, SBJ, PNJ, Rồng Vàng Thăng Long… Vào thời điểm đó, người dân đổ xô mua vàng mà không cần biết rõ thương hiệu gì, bất chấp giá vàng trong nước tăng vụt trong khi giá vàng thế giới lại ít biến động. Kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, cộng thêm sự phân biệt giữa vàng thương hiệu quốc gia SJC và vàng thương hiệu khác làm chênh lệch giá trị đã khiến cho tâm lý người dân càng không muốn bán ra mà chỉ mua vào. Đến nay, lượng vàng người dân đang nắm giữ ước lượng khoảng 500 tấn và chỉ dậm chân tại chỗ mà không phát huy được giá trị. 

Một khi thị trường vàng không còn chênh lệch, trở lại bình thường, tự khắc sẽ huy động được lượng vàng rất lớn trong dân vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó xóa bỏ được việc đầu cơ vàng, đem lại nhiều nguồn lợi ích cho kinh tế - xã hội, chống lại hiện tượng “vàng hóa”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét cho phép người dân tiếp tục hưởng lãi suất khi gửi tiết kiệm bằng vàng để huy động  nguồn vốn dồi dào này. Bởi lẽ, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng thì người dân chỉ còn cách cất trữ vàng tại nhà hoặc đem tới ngân hàng giữ hộ (thuê két), không những không nhận được lãi suất mà còn phải trả các chi phí giữ hộ và phí quản lý tài sản.

Nhà nước trở về đúng vai trò điều tiết thị trường

Trước đây, căn cứ Nghị định 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép sản xuất vàng miếng cho 8 ngân hàng và công ty vàng. Mỗi đơn vị đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhưng nay chỉ sau khoảng 10 năm đã trở nên vô giá trị do Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng từ 25/5/2012.

Cần kể đến, trên thế giới không có một ngân hàng trung ương nào đứng ra sản xuất vàng miếng để bán cho dân. Ở các nước, các thị trường lớn như Trung Quốc, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông, Ấn Độ... mỗi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đều có thương hiệu riêng của họ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, trọng lượng, nhãn hiệu... theo các tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ - nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh.

Theo nguyên tắc về phân cấp quản lý trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ có chức năng quản lý Nhà nước, không có chức năng kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý, độc quyền sản xuất vàng miếng. Một khi để bình ổn giá vàng trong nước, sẽ đưa số vàng này ra bán. Vậy ai sẽ là người bán? Nếu Ngân hàng Nhà nước bán thì vi phạm vào nguyên tắc về chức năng kinh doanh, không được phép. Nếu giao cho các doanh nghiệp bán, nếu lỗ thì ai chịu?

Đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước trở về vai trò kiểm soát, điều tiết thị trường chứ không phải độc quyền sản xuất. Theo đó, đề xuất cho phép có thêm nhiều đơn vị, tổ chức tài chính có tiềm lực nhập khẩu vàng miếng với mức thuế phù hợp, nằm trong sự kiểm soát về số lượng để cân đối với tình trạng ngoại tệ của quốc gia. Điều này sẽ góp phần kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước đã kéo dài nhiều năm nay. Hơn nữa, việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu. Bởi trình độ tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam được đánh giá rất cao so với nhiều nước khác.

Sau hơn 10 năm triển khai, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng. Không thể phủ nhận thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước không cho phép các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng nhập khẩu vàng theo giấy phép như trước góp phần bình ổn tỉ giá và hạn chế việc sản xuất vàng miếng thông qua nhập khẩu vàng để bán cho nhu cầu đầu tư và tích trữ vàng miếng của người dân, chất lượng được đảm bảo hơn bởi khuôn khổ pháp lý.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Nghị định 24 đã bắt đầu bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay, người dân và doanh nghiệp đều chịu thiệt. Vì vậy, đã đến lúc cần sửa đổi một chính sách lỗi thời để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.

Hải Phong