Nhộn nhịp đường bay quốc tế mới

minhtam

02/12/2019 18:23

Các hãng mở một loạt đường bay quốc tế mới trong bối cảnh hàng không nội địa có xu hướng giảm nhịp tăng trưởng và cạnh tranh với các hãng nước ngoài.

Sáng 29.11, chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ Hà Nội đã tới Thẩm Quyến. Trước đó một ngày, một máy bay khác từ TP.HCM hạ cánh ở đặc khu kinh tế thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc này. Vietnam Airlines chính thức khai thác hai đường bay thẳng tới nơi thương mại hai nước lên tới 40 tỷ USD năm 2018.

Chỉ riêng tháng 11, Vietnam Airlines đưa ra thông báo khai trương 6 đường bay mới, nâng tổng số đường bay quốc tế của hãng này lên 65 đường, chiếm 66% tổng số đường bay.

Các hãng hàng không mở một loạt đường bay quốc tế mới. (Ảnh: Vietnam Airlines).
Các hãng hàng không mở một loạt đường bay quốc tế mới. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Tham gia thị trường bằng các đường bay nội địa giá rẻ, đến năm 2016, số lượng đường bay trong nước của Vietjet gần như đi ngang. Vietjet chuyển hướng tới các đường bay quốc tế sau khi khai thác gần hết các đường bay nội địa.

Trong hai năm 2017 và 2018, hãng này chỉ mở thêm hai đường bay nội địa nhưng có tới 43 đường bay quốc tế. Năm nay, hãng tiếp tục xác định mở mới hơn 20 đường bay quốc tế mới. Mục tiêu của Vietjet không còn là cạnh tranh nội địa nữa mà cạnh tranh với các hãng trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng lượng khách nội địa đang giảm dần. Thay vì hơn 20% trong giai đoạn trước năm 2016, đến nay, tăng trưởng khách nội địa ở vào khoảng trên 10% - theo số liệu từ Tổng Cục Hàng không Việt Nam. Một nhân sự cấp cao trong ngành hàng không dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ còn một con số trong vài năm tới.

Theo báo cáo năm 2019 của tổ chức thông tin hàng không quốc tế OAG, đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện đứng thứ 6 trong số các đường bay bận rộn nhất thế giới, với tần suất gần 40.000 chuyến mỗi năm. Các hãng bay đã khai thác gần hết công suất của đường bay này, là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không nước ngoài cũng tích cực hơn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Hết năm 2018, 68 hãng từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác đường bay quốc tế tới Việt Nam. Các hãng này nắm tới 57% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và gần 87% thị phần hàng hóa. Thế cạnh tranh thúc đẩy các hãng hàng không trong nước mở rộng thị trường khai thác.

Tại cuộc họp Đạị hội đồng cổ đông năm 2018, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet cho biết, lợi nhuận trên đường bay quốc tế của hãng này bình quân cao hơn khoảng 20% so với đường bay nội địa. Không chỉ đến từ hoạt động mở rộng thị trường, lợi nhuận còn nhờ vào các dịch vụ như bán hàng miễn thuế. Chi phí mua xăng dầu - loại chi phí chiếm tỉ trọng khoảng 1/3 giá vốn của các hãng hàng không cũng có thể được giảm đi khi mua ở nước ngoài do không phải chịu thuế nhập khẩu, phí môi trường… như tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chặng bay quốc tế đều màu hồng. Các hãng đều cân nhắc doanh thu và chi phí kỹ trước khi mở đường bay mới. Đầu năm nay, Việt Nam được trao chứng chỉ đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT) - là điều kiện tiên quyết để mở các tuyến bay thẳng sang Mỹ, nhiều kỳ vọng về việc mở các tuyến bay thẳng này. Theo tính toán của Vietnam Airlines, trước đây hãng muốn mở đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa vốn và khả năng lỗ khoảng 30 triệu USD mỗi năm. Hiện nay, nếu muốn bay thẳng tới Mỹ hãng cần giảm lỗ xuống dưới mức vừa nêu.

Quyết định mở đường bay quốc tế của các hãng sẽ tính toán dựa trên lưu lượng hành khách và cơ cấu các nhóm khách sao cho đủ để tạo ra lợi nhuận. Số tiền chi tiêu trung bình từ mỗi nhóm khách là khác nhau, vì vậy, doanh thu có thể chênh lệch giữa các đường bay cùng số lượng khách và cự ly.

Những nơi được ưu tiên lựa chọn mở đường bay thẳng thường có nhiều người Việt sinh sống để khai thác lượng khách di chuyển thăm người thân, nơi kinh doanh buôn bán, các địa điểm du lịch, chữa bệnh, du học…

Cân nhắc các yếu tố chi phí, các hãng thường phát triển mạng lưới đường bay quốc tế ngắn trước. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á là các điểm đến chủ yếu của cả Vietnam Airlines và Vietjet. Sau đợt mở mới này, Vietnam Airlines hiện có 11 đường bay thẳng sang Trung Quốc (tính cả công ty con - Vasco, con số này là 17). Thị trường ba nước Đông Bắc Á chiếm 55% doanh thu quốc tế của hãng.

Thời gian qua, các hãng mở nhiều tuyến bay thẳng tới các điểm du lịch như Vietjet khai thác hàng loạt đường bay thẳng tới Seoul, Hàn Quốc từ Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang và Phú Quốc. Ba đường bay thẳng khác của Vietjet được mở mới từ Đà Nẵng trong tháng 11. Vietnam Airlines. Tương tự, đường bay thứ hai tới Thành Đô, Vietnam Airlines chọn Đà Nẵng thay vì TP.HCM. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thuận lợi về du lịch, việc lựa chọn này còn tránh được tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

Tham gia thị trường sau cùng - Bamboo Airways cũng đang tích cực trong việc mở các đường bay quốc tế mới. Hãng vừa khai trương hai đường bay thẳng tới Hàn Quốc, nâng tổng số đường bay quốc tế lên ba đường, chiếm 11% trong tổng mạng lưới bay. BamBoo Airways cũng đặt mục tiêu bay thẳng sang Úc. Trước đó, hãng này tuyên bố bay thẳng sang Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa khởi động.

Thái Hoàng

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Nhộn nhịp đường bay quốc tế mới" tại chuyên mục Khoa học quản lý.