Nhóm Doji trúng thầu dự án BĐS có giá trị lớn ở Huế

Quang Khải

03/07/2024 16:20

Vừa qua (1/7), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định số 1759/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu.

Theo đó, liên danh Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji – Công ty TNHH Đầu tư BĐS Doji Land được lựa chọn là nhà thầu thực hiện dự án trọng điểm này.

Thông tin ban đầu, tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu được thực hiện tại các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương, thuộc địa bàn phường An Đông và phường Xuân Phú, TP. Huế.

Dự án có diện tích khoảng 18,2 ha; quy mô dân số khoảng 9.000 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp của dự án bao gồm: Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê, nhà ở liền kề được xây dựng đồng bộ (tối thiểu xây thô hoàn thiện kiến trúc mặt ngoài).

6-1719998271.jpeg
Phối cảnh của dự án mà nhóm Doji vừa trúng thầu ở Thừa Thiên - Huế.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch khi đến Huế. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tạo động lực cho tỉnh Thừa Thiên Huế sớm đạt được mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhà đầu tư trúng thầu phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến hơn 4.600 tỷ đồng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Doji Group được biết đến là tập đoàn kinh doanh vàng bạc, trang sức hàng đầu Việt Nam, với gần 200 trung tâm và 400 đại lý trên cả nước. Trong khi đó, Doji Land là pháp nhân phụ trách mảng bất động sản của Doji Group. Doanh nghiệp này hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, và tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhiều địa phương khác.

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Quang Khải