Nhân dân tệ rớt khỏi ngưỡng tâm lý

thunguyen

05/08/2019 19:02

Lần đầu tiên sau hơn 11 năm, tỉ giá CNY/USD vượt qua mốc 7 vào sáng nay, bốn ngày sau quyết định đánh thuế của Mỹ lên 300 tỉ USD hàng hoá còn lại từ Trung Quốc.

Từ mức 6,28 nhân dân tệ đổi 1 USD hồi tháng 4.2018, tỉ giá đã tăng dần sau những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và vượt mốc 7, được coi là ngưỡng tâm lý mà chính quyền Trung Quốc muốn giữ để đảm bảo an ninh tiền tệ. CNY/USD tăng 1,3%, đạt 7,0344 vào sáng 5.8.2019

Biến động tỷ giá CNY/USD trong 20 năm (Nguồn: Macrotrends)
Biến động tỷ giá CNY/USD từ năm 1981 đến nay (Nguồn: Macrotrends)

Về mặt kỹ thuật, tỉ giá CNY/USD càng tăng, hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ càng trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hoá Mỹ, do đó tạo điều kiện cạnh tranh cho hàng hoá Trung Quốc. Tăng tỉ giá, hay còn gọi là hạ giá đồng Nhân dân tệ được coi là cách mà Trung Quốc phản ứng với các đòn trừng phạt thuế quan mà chính quyền Donald Trump đánh vào hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc VCES, lợi thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc không đến từ giá rẻ mà đến từ quy mô và chuỗi cung ứng, nên những lợi thế về mặt kỹ thuật, nếu có, là không đáng kể. Các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy móc, hàng điện tử, đồ nội thất, đồ chơi, thiết bị thể thao, nhựa. Với những sản phẩm này, cùng với kim ngạch xuất khẩu không dưới 19 tỉ USD mỗi loại, ưu thế của Trung Quốc đến từ lợi thế quy mô chuỗi cung ứng, và hầu như không có đối thủ. “Những lợi thế về mặt thương mại sẽ nhanh chóng bị san bằng” - ông Thành nhận xét về tác động của việc hạ giá đồng Nhân dân tệ lên kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc.

Việc phá vỡ ngưỡng tâm lý về tỷ giá là tín hiệu phát đi từ Trung Quốc, cho biết nước này sẽ không theo đuổi chính sách giữ giá đồng tiền nước mình. Vì vậy, với các nhà đầu tư, sau đợt tăng tỷ giá này, họ kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung chưa có tiến triển, thậm chí còn xấu đi. Đồng nhân dân tệ mất giá khiến các tài sản tại Trung Quốc giảm giá, dẫn đến làn sóng rút vốn khỏi quốc gia này, điều này tiếp tục khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục chìm sâu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể phải hy sinh dự trữ ngoại hối để giữ ổn định tỉ giá cho đồng tiền nước này.

Với nền kinh tế Việt Nam, việc đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn do hàng hoá Trung Quốc với khối lượng vốn áp đảo, sẽ tiếp tục rẻ hơn so với hàng trong nước. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đã bắt đầu phản ánh việc đối tác Trung Quốc ép giá hợp đồng với lý do đồng nhân dân tệ mất giá so với USD. Tuy nhiên, việc ép giá vẫn mới chỉ diễn ra lẻ tẻ, chưa thành một xu hướng đáng lo ngại.

*Cập nhật: Sáng ngày 8.8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục điều chỉnh tỉ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ lên mức 7,0039 nhân dân tệ đổi một USD - đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 11 năm, cơ quan điều hành tiền tệ Trung Quốc để tỉ giá tham chiếu vượt mốc 7,0.

Đan Nguyên

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Nhân dân tệ rớt khỏi ngưỡng tâm lý " tại chuyên mục Khoa học quản lý.