Các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm 35% sản lượng trong mùa xuân do lệnh phong tỏa bởi virus corona khiến nhu cầu đi lại giảm sút. Khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, các nhà máy lọc dầu đã tăng sản lượng từ từ cho đến cuối tháng Tám. Nhưng vài tuần qua, ở các nước tiêu thụ hàng đầu như Mỹ, các nhà máy lọc dầu phải cắt giảm tỉ lệ khi lượng hàng tồn kho tăng, nhu cầu liên tục giảm và phải đối phó với thiên tai.
Mức tăng công suất đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc. Nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ hai thế giới hiện dẫn đầu trong việc phục hồi nhu cầu dầu sau khi chế ngự sự bùng phát của virus corona. Nhưng các nhà máy lọc dầu của nước này còn xuất khẩu nhiên liệu và những lô hàng đó đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm từ các nước châu Á khác. Giới phân tích cho hay, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm vận hành trong tháng Chín.
“COVID-19 đang gây áp lực chưa từng có lên hoạt động kinh doanh lọc dầu”, Scott Wyatt, giám đốc điều hành tại nhà cung cấp nhiên liệu Úc Viva Energy Group cho biết hồi đầu tháng.
Những sản phẩm chưng cất từ dầu, bao gồm dầu diesel, nhiên liệu máy bay, và dầu sưởi thường được tích trữ trước mùa đông. Chúng đang trở nên dư thừa năm nay. Điều này dẫn tới viễn cảnh tồi tệ với lợi nhuận ngành lọc dầu trong những tháng tới.
Các nhà máy lọc dầu của Mỹ vẫn đang sản xuất ít nhiên liệu hơn 20% so với trước đại dịch, hoạt động với 76% công suất tổng thể, thấp nhất kể từ năm 2008. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cắt giảm công suất từ tháng Bảy và Tám.
"Ngay cả khi kinh tế phục hồi hình chữ U, nhu cầu có khả năng sẽ ở mức thấp hơn 2 triệu thúng/ngày so với quý IV.2019", David Fyfe, kinh tế trưởng Argus nói trong một hội thảo trực tuyến vào đầu tháng này. Sản lượng nhiên liệu của châu Á có thể giảm hơn nữa trong thời gian bảo trì định kỳ từ tháng 9 đến tháng 11.
Dữ liệu do công ty tư vấn Longzhong có trụ sở tại Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ sử dụng trung bình tại các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vào khoảng 78,6% vào cuối tháng Tám, giảm khoảng 3,6 điểm phần trăm so với tháng Bảy.
Tập đoàn Viva (Austrailia) cho biết có thể bị buộc phải đóng cửa vĩnh viễn Nhà máy lọc dầu Geelong ở Victoria để giảm lỗ trừ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và nhu cầu tăng lên. Chính phủ Australia đã đề xuất chi hàng tỉ đô la để giữ cho bốn nhà máy lọc dầu còn lại của nước họ mở cửa.
Biên lợi nhuận ngành lọc dầu phức hợp của Singapore âm trong nửa đầu tháng Chín, sau khi chuyển sang tích cực nhẹ vào tháng Tám (sau bốn tháng thua lỗ liên tiếp).
Tại Mỹ, biên độ lợi nhuận dao động quanh mức 9 USD/thùng, gần mức thấp nhất trong tháng Tư. Các nhà lọc dầu thường không thu được lợi nhuận từ các sản phẩm trừ khi mức chênh lệch giữa dầu thô và nhiên liệu - cao hơn 10 đô la Mỹ. Một số nhà máy lọc dầu ở khu vực Philadelphia và Chicago đang tạm dừng công việc đã lên kế hoạch mở cửa vào mùa thu này để tiết kiệm tiền mặt, theo các nguồn tin thân cận với những nhà máy này. Tổng cộng, ít nhà máy lọc dầu sẽ đóng cửa để bảo trì theo mùa hơn bình thường.
“Một số nhà máy lọc dầu đang ở trong tình thế khó khăn vì một số không có tiền mặt để bảo trì, nhưng họ không được hưởng lợi từ việc tiếp tục hoạt động”, John Auers, nhà phân tích lọc dầu tại Turner Mason and Company cho biết.
KY Lin, phát ngôn viên của công ty lọc hóa dầu Đài Loan Formosa Petrochemical, cho hay các nhà máy lọc dầu châu Á đã phải đối phó với giá bán cao hơn từ Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất Trung Đông khác.
Nhật Bản, nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, đã cắt giảm tỉ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu xuống 65,9% trong tuần tính đến hết ngày 12.9, giảm từ mức gần 72% vào giữa tháng Tám. Công ty lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc SK Innovation đang xem xét giảm chế biến dầu thô tại hai nhà máy của mình sau khi tỉ lệ sử dụng trung bình giảm xuống 80% trong tháng này từ mức 85% của tháng Bảy-Tám.
“Ngành lọc dầu đang quay trở lại thời kỳ tỉ suất lợi nhuận kém. Thậm chí thực sự không có lợi nhuận", Lin nói.
Theo Reuters