Nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào ví điện tử Việt Nam

thunguyen

20/08/2019 12:10

90% thị phần ví điện tử Việt Nam đang nằm trong tay năm doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30 đến trên 90%.

Thông tin được ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước công bố tại Toạ đàm về chính sách Quản lý fintech do chuyên trang ICTNews và Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tổ chức ngày 20.8.2019 tại Hà Nội.

Đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101/2012/NĐ-CP) theo hướng hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này không quá 30%. Trả lời tại buổi Toạ đàm, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết dự thảo nghị định sẽ không hồi tố. Có nghĩa là các doanh nghiệp fintech thuộc lĩnh vực trung gian thanh toán đã có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 30% sẽ không phải thay đổi. Đến nay Nghị định vẫn đang được soạn thảo và chưa có dự thảo cuối cùng, ông Sơn nói với Tạp chí Nhà Quản Lý.

Trên thực tế, quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất dễ được các doanh nghiệp nước ngoài “lách” - thể hiện rõ nét tại thương vụ thâu tóm Sabeco của hãng bia Thái Lan ThaiBev. Vì giới hạn 49% được đưa ra với nhà đầu tư nước ngoài, ThaiBev đã thành lập một pháp nhân Việt Nam để mua cổ phần chi phối tại Sabeco đồng thời chi gần 5 tỉ USD để thực hiện thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay. Việc làm này của ThaiBev hoàn toàn hợp pháp và nhận được sự hỗ trợ từ các định chế tài chính Việt Nam, từ ngân hàng thanh toán đến các công ty tư vấn.

Trên thị trường chứng khoán, trước đây nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế sở hữu với các doanh nghiệp, theo từng lĩnh vực, từ 30% đến 49%. Gần đây, các doanh nghiệp, trừ ngân hàng, đã được phép nới “room ngoại” - là tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa - lên đến mức 100%.

Linh Anh

thunguyen