Nhìn lại một năm 2019 đã đi qua có thể thấy một điều đặc biệt là giá xe ô tô tại Việt Nam liên tục giảm mạnh. Rất nhiều mẫu xe ô tô từ bình dân đến hạng sang được giảm giá mạnh, kèm nhiều ưu đãi như tặng quà phụ kiện, hỗ trợ vay mua xe trả góp lãi suất thấp,...
Điển hình như các mẫu xe “hot” như Kia Morning, Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner, hay các mẫu xe sang BMW, Audi,... Mức giảm có thể từ vài chục đến tận vài trăm triệu đồng. Mục đích chủ yếu của các đợt giảm giá đều nhằm nâng cao doanh số, đẩy nhanh hàng tồn kho.
Các chuyên gia nhận định thị trường ô tô năm 2019 giảm giá sâu như vậy là bởi nhiều yếu tố như: hàng loạt mẫu xe mới được tung ra thị trường khiến cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ càng khốc liệt hơn; nguồn cung từ xe nhập khẩu và cả lắp ráp trong nước đều ổn định, dồi dào hơn, vượt xa cả nhu cầu của người tiêu dùng khiến lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều. Cụ thể:
Thị trường xuất hiện thêm nhiều mẫu mẫu xe mới, cạnh tranh với các đối thủ
Năm 2019 vừa qua ghi nhận được sự góp mặt mới của khá nhiều cái tên trải khắp các phân khúc. Ở phân khúc xe phổ thông thì có Honda Brio, Kia Soluto, Suzuki Ertiga, Mazda CX-8. Hay như xe hạng sang cũng phải kể đến các mẫu như Mercedes GLC 300, Volvo XC40, Audi Q3…
Đặc biệt không thể không kể đến một “hiện tượng” mới - hãng xe ô tô Việt chính thức ghi danh trên bản đồ ô tô thế giới với 3 dòng sản phẩm gồm VinFast Fadil, LUX A2.0 và LUX SA2.0. Hồi tháng 6/2019, những chiếc xe VinFast đầu tiên đã chính thức được bàn giao đến tay khách hàng và nhanh chóng có mặt trên các nẻo đường. Dự kiến trong năm 2020, VinFast còn tiếp tục cho ra mắt 7 mẫu xe phổ thông mới giúp hãng kiếm doanh số.
Bên cạnh đó còn có những mẫu xe khác cũng được nhà sản xuất cho ra phiên bản nâng cấp, thế hệ mới nhằm tăng sức hút với khách hàng. Ví dụ như Hyundai Santa Fe, Hyundai Elantra, Mazda 3, Mazda CX-5, Honda Accord hay Toyota Camry.
Trước sức ép của hàng loạt các đối thủ mới, những nhà sản xuất xe ô tô đều phải nhanh chóng nâng cấp cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, giá xe ô tô cũng được hãng và đại lý giảm sâu, không còn tình trạng “mua bia kèm lạc” hay bán chênh lệch cao hơn so với giá niêm yết từ hãng.
Có thể kể đến mẫu Santa Fe, Tucson, Fortuner, hay CR-V, hồi đầu năm khách hàng phải chờ đợi rất lâu mới được nhận xe mà còn phải mua giá đắt. Càng về dịp cuối năm, giá xe càng giảm mạnh. Ngay cả “vua doanh số” Toyota Vios vốn rất hiếm khi được khuyến mại từ trước nhưng năm nay đã liên tục được giảm giá, ưu đãi để lấy lại vị thế bởi cái tên Mitsubishi Xpander đã nhiều lần “cướp” vị trí No.1 trong top xe bán chạy nhất tháng của toàn ngành ô tô Việt.
Nguồn cung dồi dào
Bên cạnh sự áp lực từ các đối thủ, nguồn cung dồi dào hơn so với những năm trước cũng tác động đến giá thành xe ô tô giảm đáng kể. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, trong năm 2019 vừa qua đã có khoảng 142.000 chiếc xe ô tô các loại được nhập khẩu vào nước ta, đạt trị giá 3,1 tỷ USD. So với năm 2018 thì xe ô tô nhập khẩu năm 2019 đã tăng 71% về lượng và 69,4% về giá trị.
Trong đó, ô tô được làm thủ tục thông quan vào nước ta trong năm vừa qua chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, ngoài ra còn một số thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc,... Hai cảng chủ chốt làm nhiệm vụ khai quan là TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng ngày càng đảm bảo nguồn cung cho khách hàng. Hiện nay, các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đều được mở rộng, trang bị tiên tiến, hiện đại hơn nên cho ra sản lượng vượt trội hơn trước đây.
Được biết, công suất của nhà máy xe Kia đã được nâng từ 20.000 xe/năm lên tới 50.000 xe/năm. Nhà máy của TC Motor và Ford Việt Nam tại Hải Dương đang có kế hoạch tăng công suất lắp ráp ngay trong năm 2020 này. Có đến 99% xe Hyundai đều do TC Motor lắp ráp trong nước mà đây là một trong những thương hiệu bán chạy nhất nước ta.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất xe VinFast đã chính thức khánh thành chỉ sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện, được ứng dụng công nghệ 4.0 trong các quy trình sản xuất. Ở giai đoạn 1, công suất của nhà máy ô tô VinFast đạt 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 đạt 500.000 xe/năm với tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.
Chính vì thế mà lượng xe có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng là rất lớn. Các chính sách ưu đãi, giảm giá được tung ra có tác dụng đẩy nhanh sản phẩm để tiếp tục đón lô hàng mới.
Cung vượt xa cầu, dẫn đến hàng tồn kho nhiều
Cũng chính bởi yếu tố nguồn cung dồi dào, phát triển mạnh đến như vậy đã vượt xa cả nhu cầu tiêu dùng. Doanh số bán xe ô tô trong năm 2019 được các hãng đặt mục tiêu cao hơn so với năm ngoái nhưng thực tế kết quả lại không được như mong muốn. Thực tế như hãng Toyota đặt mục tiêu bán hơn 80.000 xe trong năm 2019 nhưng sau 11 tháng hãng mới chỉ bán được 70.000 xe, trung bình mỗi tháng khoảng 6.500 xe.
Hàng mới “ra lò” ngày càng nhiều trong khi lượng bán ra không tăng đáng kể đã gây ra hệ luỵ là xe tồn kho ngày càng nhiều hơn, chưa kể đến lượng xe còn tồn lại từ năm 2018. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng, do đã sang năm 2020 nên họ chỉ muốn mua xe được sản xuất năm 2020 chứ ít ai muốn mua xe năm 2019 nữa. Khách hàng cho rằng mua xe năm 2019 đồng nghĩa với việc chiếc xe có thêm một tuổi, ảnh hưởng đến giá trị khi có nhu cầu bán lại.
Chưa kể đến việc xe lưu kho quá lâu cũng có ảnh hưởng đến chất lượng của xe như: phai màu sơn, giảm tuổi thọ động cơ, ắc quy, giảm chất lượng lốp và các trang thiết bị trên xe,... Để tránh hao mòn giá trị, các hãng và đại lý bắt buộc phải giảm giá lớn để tăng lượng tiêu thụ xe còn trong kho để đón lô xe mới về.
Chính bởi những lý do trên mà giá xe ô tô năm 2019 liên tục được giảm giá sâu để hấp dẫn người mua hàng. Thậm chí kể cả một số mẫu xe mới ra mắt cũng không bị tăng giá bán mà có khi còn rẻ hơn trước. Mùa mua sắm cao điểm dịp sát Tết 2020 cũng không còn tình trạng đẩy giá cả leo thang như những năm về trước.
Ảnh: Internet
Đào Nhàn