Nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hoá

minhtam

31/12/2019 15:42

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng gian lận xuất xứ khi các quốc gia lợi dụng thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, EU với các mức thuế ưu đãi.

Kiểm tra chín doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã phát hiện bốn doanh nghiệp gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ. Trong đó, ba doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và một doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ như giá, kệ bếp. Các doanh nghiệp đều thừa nhận vi phạm về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu.

Tại buổi họp báo chuyên đề ngày 27.12, ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết đang tiếp tục mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng như pin năng lượng mặt trời, đèn LED…

Hàng hóa bốc xếp tại cảng. (Ảnh: Tân Cảng Sài Gòn).
Hàng hóa bốc xếp tại cảng. (Ảnh: Tân Cảng Sài Gòn).

Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đã phát hiện 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ khi kim ngạch xuất khẩu đột biến sang thị trường Mỹ, EU. Từ đó, cơ quan này lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra. Lo ngại bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi Chính phủ Mỹ áp đặt các mức thuế lên hàng hóa có xuất xứ trừ Trung Quốc. Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành trung gian để hàng hóa thay đổi nguồn gốc xuất xứ bằng cách chế biến tối thiểu để xuất khẩu sang Mỹ.

Theo quy định của Bộ công thương, một số công đoạn gia công chế biến đơn giản đối với hàng hoá không làm thay đổi nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó. Ví dụ một loại hàng hoá được nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam, và được mài giũa đơn giản thành sản phẩm cuối cùng, sẽ không làm thay đổi nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc sản phẩm đó. Nếu sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ, nguồn gốc của sản phẩm phải được ghi là Trung Quốc. Quy định này nhằm tránh việc các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc, gia công chế biến tối thiểu để thay đổi nguồn gốc trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ đang tăng đột biến ở một số mặt hàng như sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng... có đặc điểm dễ gia công, lắp ráp. Điện thoại và linh kiện tăng 62%, máy vi tính tăng 105%, sản phẩm từ sắt thép tăng 49%, nguyên phụ liệu dệt may tăng 70%.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong hơn 10 năm trở lại đây. Tại "Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD" cuối ngày 30.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao mục tiêu năm 2020 Việt Nam tiếp tục xuất siêu và xuất khẩu phải cán mốc 300 tỉ USD. Năm 2019, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 263 tỉ USD, tăng 7,3% so với năm 2019 - theo Tổng Cục thống kê. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã vượt qua quy mô nền kinh tế cả nước trong năm 2019.

"Xuất khẩu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại ngày 9.8.

Hai tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định chính thức đánh thuế lên tới 456% với thép từ Việt Nam có nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan. Mỹ viện lý do thép xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan - hai quốc gia/vùng lãnh thổ đã bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, đã mượn Việt Nam như một trung gian để né thuế. Vấn đề về xuất xứ hàng hóa không còn chỉ ở mức lo ngại nguy cơ.

Ông Trần Mạnh Cường cho biết, thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ mở rộng kiểm tra các địa bàn có dấu hiệu rủi ro cao. Cơ quan này tập trung vào các doanh nghiệp mới thành lập từ cuối năm 2018 trở lại đây nhập khẩu hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, phụ tùng từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ và EU.

Thái Hoàng

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hoá " tại chuyên mục Khoa học quản lý.