Hơn 754.700 tỷ để tại ngân hàng với lãi suất siêu rẻ
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý II/2021, số tài tài khoản thanh toán của cá nhân đã lên tới hơn 107,4 triệu tài khoản, tăng thêm gần 7 triệu tài khoản so với cuối năm 2020 và tăng hơn 3 triệu tài khoản so với cuối quý I. Số dư tiền gửi thanh toán đạt 754.702 tỷ đồng, tăng 87.920 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 13.324 tỉ đồng so với cuối quý I.
Tài khoản thanh toán của cá nhân ở đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ. Lãi suất mà các nhà băng đang áp dụng trên số tiền hơn 754.700 tỉ đồng mà cá nhân để ở tài khoản thanh toán hiện ở mức khá thấp 0 - 0,2%/năm.
Trong những năm gần đây, số lượng tài khoản cũng như số dư tiền gửi thành toán liên tục mạnh. So với cuốiquý II/2016, số tài khoản thanh toán cá nhân đã tăng hơn 76% và số dư tiền gửi tăng gấp 3,5 lần.
Kết quả trên đến từ sự bùng nổ của xu hướng thanh toán không dùng tiền nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19.
Theo NHNN, giao dịch qua kênh Internet 3 tháng đầu năm 2021 tăng 5,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị.
Trước đó, 2 năm liên tiếp 2019-2020, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động liên tục ghi nhận tăng trưởng theo cấp số nhân: năm 2020 tăng hơn 2 lần, năm 2019 tăng hơn 3 lần.
Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng hiện tử, ví điện tử,…ngày càng phát triển, đem lại nhiều thuận tiện cùng với chiến lược thu hút tiền gửi giá rẻ của các ngân hàng cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quy mô tài khoản thanh toán.
Ngân hàng nào dẫn đầu về khả năng hút tiền gửi giá rẻ?
Tiền gửi không kỳ hạn (không kỳ hạn) là một cấu phần quan trọng trong hoạt động huy động vốn của các nhà băng, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất siêu thấp. Do đó, ngân hàng nào có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện biên lợi nhuận cho vay. Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Không chỉ là nguồn vốn đầu vào hiệu quả và chi phí thấp, tỷ trọng CASA còn là thước đo hiệu quả trong phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Trong những năm gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA. Nếu như trong 2 năm 2018 và 2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi sát nhau với tỷ lệ CASA trên dưới 30%, thì đến năm 2020, Techcombank bất ngờ bứt tốc, vượt lên dẫn đầu với tỷ lệ CASA tăng từ 33% lên trên gần 46% nhờ các chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch trực tuyến cho khách hàng (zero fee) và chiến lược đầu tư mạnh tay vào công nghệ ngân hàng số.
Tại chương trình Gặp gỡ các nhà phân tích về kết quả kinh doanh quý IV/2020, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ tỷ lệ CASA 46% là thành tựu đạt được từ chiến lược dịch chuyển cơ cấu huy động sang những nguồn vốn có chi phí huy động thấp (huy động không kỳ hạn).
“Techcombank kiên định với định hướng tập trung phục vụ toàn diện các nhu cầu tài chính của các phân khúc khách hàng mục tiêu , và đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng, nhờ đó nâng cao tỷ lệ Casa. Tỷ lệ CASA 46% hiện nay sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp cho Techcombank tiếp tục phát triển một cách bền vững về dài hạn”.
Trước sự vượt trội của Techcombank, một loạt các ông lớn trong ngành đã tham gia vào cuộc chiến "zero fee".
Hồi đầu năm, Vietcombank đã công bố các gói tài khoản giao dịch tích hợp các dịch vụ tài khoản, ngân hàng số và thẻ ghi nợ, giúp khách hàng chuyển tiền miễn phí trên VCB Digibank. Khác với cách miễn phí hầu hết các loại tài khoản như ngân hàng khác, Vietcombank đưa ra 4 gói tài khoản với các chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến khác nhau.
Chẳng hạn, với gói VCB - Eco người dùng duy trì số dư không kỳ hạn bình quân hàng tháng từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống. Gói VCB_Plus, người dùng duy trì số dư không kỳ hạn bình quân hàng tháng từ 4 triệu trở lên sẽ được miễn phí chuyển tiền cả trong và ngoại hệ thống.
Trong khi đó, MB triển khai rầm rộ mở tài khoản số đẹp theo yêu cầu của khách hàng trong năm vừa qua bên cạnh việc miễn phí dịch vụ chuyển tiền trên ứng dụng APP MBBank.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trước đây, CASA bán lẻ chưa được quan tâm nhiều vì tỷ trọng đóng góp thấp, ngân hàng số chưa phát triển và hành vi người tiêu dùng thay đổi chậm. Trong khi các ngân hàng lớn hàng đầu có các lợi thế về mối quan hệ với các tập đoàn lại tạo ra khác biệt với tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp cao.
“Cạnh tranh về CASA sẽ lớn dần, nhất là tại các ngân hàng tư nhân. Vì thế, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư hiệu quả để có thể duy trì tỷ lệ CASA cao trong dài hạn. Ngân hàng nào sử dụng hạ tầng, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, cạnh tranh phí... sẽ thu hút được khách hàng”, VDSC dự báo.