Ông Quốc Anh phân tích, nguồn cung nhà ở (chung cư và nhà riêng) năm 2019 đang giảm. Các cơ quan chức năng tiến hành rà soát về mặt pháp lý khiến nhiều các dự án bất động sản đình trệ trong hai năm qua. Tổng số m2 sàn xây dựng (GFA) của các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2019 chỉ bằng ⅓ năm 2018. Bên cạnh đó, giá nhà ở cũng đang tăng lên. Tốc độ tăng giá nhà ở tại TP.HCM từ đầu năm đến nay là 12%, trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận cho thuê chung cư là 5%.
"Người dân đứng trước lựa chọn mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư, mua từ những người có bất động sản sẵn hay đi thuê. Mức tăng lượng tin thuê nhà hơn 50% so với năm trước chứng tỏ người dân càng dịch chuyển về hướng thuê nhiều hơn, chờ giá nhà về mức hợp lý sẽ mua", lãnh đạo sàn giao dịch nhận xét.
Có trong tay 2,5 tỷ đồng - số tiền có thể mua bất kỳ căn hộ hai phòng ngủ hạng trung nào tại TP.HCM, chị Trâm (28 tuổi - nhân sự cấp cao trong một công ty về công nghệ) vẫn ở nhà thuê. Chị sống một mình trong căn chung cư diện tích 60m2 tại Quận 7 với mức giá khoảng 13 triệu đồng/tháng.
"Tôi không muốn phải có trách nhiệm với một tài sản cố định như căn nhà. Kế hoạch trong tương lai chưa rõ ràng. Sau kết hôn tôi không chắc mình sẽ sinh một hay hai con, ở đâu sẽ là môi trường phù hợp cho chúng. Đi thuê nhà có thể trải nghiệm trước, nếu thích tôi sẽ mua chính khu vực ấy", chị Trâm chia sẻ.
Kể cả khi không có điều kiện, với các gói vay vốn từ các tổ chức tín dụng, dân cư đô thị có thể dễ dàng trong việc tiếp cận mua nhà trả góp. Tuy nhiên, lựa chọn này không mang nhiều lợi ích về mặt kinh tế.
Gia đình anh Sơn thuê nhà 5 năm. Đến nay, khi con gái đầu lòng tròn hai tuổi, anh chị xem xét việc mua nhà. Căn hộ anh chị nhắm đến tại thời điểm vào TP.HCM lập nghiệp tăng giá hơn 20%. Sau khi tính toán, anh Sơn quyết định tiếp tục thuê một căn hộ với mức giá 8 triệu đồng.
Chị Trâm hay gia đình anh Sơn là đại diện của thế hệ 8X, 9X - hiện chiếm 35% dân số, theo số liệu của Nielsen. Đây là lực lượng lao động chính tại Việt Nam. Ở các đô thị lớn, thế hệ này bao gồm những con người năng động, tự chủ tài chính. Họ có tư tưởng thoáng hơn so với thế hệ trước - coi căn nhà là biểu tượng cho "an cư lạc nghiệp".
Những lao động nhập cư khiến nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn tăng cao. Cứ 5 năm TP.HCM tăng thêm 1 triệu người. Tại buổi làm việc với Quận 3 về công tác chỉnh trang đô thị hồi tháng 5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lo ngại kéo theo áp lực về diện tích nhà ở trên đầu người tăng. Với dân số và tốc độ tăng xấp xỉ, Hà Nội cũng gặp áp lực tương tự. Mỗi năm, cả hai đô thị cần thêm khoảng gần 9 triệu m2 nhà ở mới, tương đương gần 125.000 căn hộ có diện tích trung bình 70m2.
Những căn hộ studio (với giường ngủ, bàn làm việc, khu nấu ăn, vệ sinh trên cùng một mặt sàn) trong chung cư mini do các gia đình có khu đất rộng xây dựng và vận hành mọc lên để đáp ứng nhu cầu này. Đây là một nguồn cung đáng kể, tạo thêm nhiều lựa chọn về nhà thuê cho cư dân thành phố.
Không chỉ riêng Việt Nam, ở Mỹ, thế hệ Y (những người sinh năm 1980 đến khoảng năm 1995) cũng đang thay đổi. Theo tờ Business Insider, ngôi nhà với hàng rào trắng không còn là một phần của Giấc mơ Mỹ (American Dream). Ở các thành phố lớn, một số không đủ tiền để chi trả. Người mua nhà cần đến ngân sách lớn hơn dự kiến cho nội thất mới, phí hàng tháng, bảo hiểm hay các chi phí sửa chữa bất ngờ. Nhưng ngay cả khi có đủ khả năng, thế hệ Y ngày càng lựa chọn thuê nhà nhiều hơn. "Cho dù đó là do lựa chọn hay tình thế ép buộc, việc thuê nhà dường như là một phần Giấc mơ Mỹ mới", Business Insider nêu.