Ngưng việc do giãn cách xã hội, công ty trả tôi 50% lương có đúng luật không?

Luật sư Nguyễn Đăng Tư

10/07/2021 19:52

LTS: “Ngưng việc do giãn cách xã hội, công ty trả tôi 50% lương có đúng luật không?”,  đó là câu hỏi mà nhiều bạn đọc gửi về Tòa soạn Nhà Quản Lý nhờ tư vấn. Thạc sỹ -Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Công ty Luật TNHH TRILAW) sẽ giải đáp thắc mắc cùng bạn đọc về vấn đề này.

cong-nhan-1625921265.jpg

Người lao động ngừng việc do dịch bệnh vẫn được người sử dụng lao động trả lương.

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trước việc giãn cách xã hội nêu trên, nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động ngừng làm việc hoặc làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, do trải qua nhiều giai đoạn diễn ra dịch bệnh từ năm ngoái đến nay, không ít doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn về tài chính, dẫn đến việc họ buộc phải cắt giảm lương của nhân viên trong thời gian nghỉ việc vì giãn cách xã hội. Nhiều chủ doanh nghiệp kêu gọi sự cảm thông và chia sẻ của người lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, đối với nhiều người lao động, việc bị cắt giảm lương cũng khiến cho gia đình họ rơi vào tình trạng khó khăn khi mà tiền lãi vay mua nhà hay các khoản tiền trọ, tiền ăn thì không hề giảm. Vì vậy, nhiều người không đồng tình với việc bị cắt giảm 50% lương nêu trên và cho rằng chủ doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật về lao động.

Về vấn đề này có thể chia làm 02 trường hợp để chủ doanh nghiệp xử lý tình huống, một là ngừng việc do dịch bệnh và hai là làm việc tại nhà.

Đối với người lao động ngừng việc hoàn toàn trọng thời gian giãn cách xã hội:  theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu,

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo quy định nêu trên, nếu người lao động phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19 thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp. Nếu tạm ngừng việc từ 14 ngày trở xuống thì lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Nếu tạm ngừng việc trên 14 ngày thì 14 ngày đầu lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu, từ 15 ngày trở đi thì hai bên có thể thỏa thuận mức lương không bị giới hạn mức tối thiểu, tức người lao động cũng có thể không phải trả lương.

Do đó, nếu doanh nghiệp trả 50% lương trong thời gian giãn cách xã hội mà mức 50% này không thấp hơn mức lương tối thiểu thì chủ doanh nghiệp vẫn không vi phạm hợp đồng lao động.

Đối với trường hợp chủ doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, đây được xem là trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động  theo quy định tại điều 29 Bộ Luật Lao động 2019. Theo đó, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Theo quy định tại khoản 3 điều 29 Bộ Luật Lao động về trả lương thì người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, trong 30 ngày đầu, người lao động được trả lương bằng với lương công việc chính. Sau đó, công ty có thể trả lương thấp hơn nhưng ít nhất phải bằng 85% lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. 

Từ các phân tích nêu trên, nếu chủ doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm việc tại nhà mà chỉ trả 50% tiền lương là trái quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư