Quyết định của NHNN bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 13.5.2020. Cách đây gần hai tháng, NHNN cũng có quyết định tương tự vào ngày 17.3.2020.
Tính đến 8.5.2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỉ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng…- theo báo cáo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại cuộc họp với Chính phủ ngày 9.5.2020.
Bên cạnh việc hạ lãi suất điều hành chung, trước đó, NHNN cũng đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% với số tiền tối đa 16 nghìn tỉ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp các doanh nghiệp có tiền trả lương cho lao động bị ngừng việc do dịch bệnh.
Mặc dù đưa ra những giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng chảy vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng tính đến giữa tháng Tư mới chỉ tăng 0,78% so với cuối năm 2019, là mức tăng khá chậm, theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19” do NHNN tổ chức ngày 22.4.
Phó phòng tín dụng một ngân hàng thương mại cho biết, mặc dù ngân hàng sẵn sàng nguồn tiền để cho vay, các khoản vay vẫn phải được cân nhắc kỹ càng, giảm thiểu nợ xấu trong tương lai - là gánh nặng mà ngân hàng phải chịu. Chính vì vậy, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với các gói vay, do tình hình kinh doanh được đánh giá không khả quan.
Do tác động của đại dịch, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều công bố lợi nhuận quý I.2020 giảm sút dù doanh thu vẫn tăng trưởng, chủ yếu do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Vietcombank giảm 11% so với cùng kỳ. Vietinbank cũng giảm 5,6% lợi nhuận còn BIDV lợi nhuận giảm tới 27%. Trong hoạt động của ngân hàng, các khoản dự kiến sẽ thu trong tương lai có thể gặp rủi ro khi khách hàng không trả được nợ. Do vậy một phần lợi nhuận sẽ được trích bớt (trên sổ sách) để dự phòng cho khoản rủi ro này trong tương lai. Khi dự kiến rủi ro không thu hồi được nợ tăng cao, khoản trích này tăng cao sẽ làm lợi nhuận ghi nhận của ngân hàng giảm.
HSBC, Citibank toàn cầu… cũng công bố lợi nhuận giảm sút trong quý I.2020 do tăng các khoản dự phòng rủi ro dưới tác động của COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13 tháng 05 năm 2020; cụ thể như sau: 1. Quyết định số 918/QĐ-NHNN ngày 12 tháng 5 năm 2020 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. 2. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm. 3. Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12 tháng 5 năm 2020 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm. 4. Quyết định số 920/QĐ-NHNN ngày 12 tháng 5 năm 2020 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |
Minh Thư