Ngân hàng nào đang dẫn đầu dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản?

Bùi Tam

01/06/2022 09:14

Chủ trương kiểm soát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, quý 1 năm 2022, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nhưng tín dụng bất động sản không nhiều biến động với tỷ trọng gần 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Giảm tỷ trọng cho vay bất động sản

Tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) là khoảng 2,23 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại, tăng 2,24% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022 được các ngân hàng công bố, Techcombank đang đứng đầu về dư nợ cho vay kinh doanh BĐS với 98.166 tỷ đồng, chiếm 26,84% tổng dư nợ.

Xếp sau Techcombank, một số ngân hàng có mức cho vay BĐS trên 10% tổng dư nợ có thể kể đến VPBank (42.484 tỷ đồng, chiếm 11,35% tổng dư nợ), MSB (11.162 tỷ đồng, chiếm 10,09% tổng dư nợ).

Một số ngân hàng khác có dư nợ BĐS khá cao nhưng xét theo tỷ trọng lại ở mức dưới 7% trên tổng dư nợ, như SHB (24.826 tỷ đồng, chiếm 6,68% tổng dư nợ), MB (19.312 tỷ đồng, chiếm 4,65% tổng dư nợ).

Sacombank cũng là một trong số những ngân hàng cho vay BĐS khá cao. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tỷ lệ cho vay BĐS trên tổng dư nợ hiện nay tại ngân hàng chiếm 22% tổng dư nợ. Trong đó, tỷ lệ cho vay bất động sản trong dân mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp chiếm 20%. Còn dư nợ cho vay bất động sản doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng.

techcombank

Techcombank đang dẫn đầu dư nợ cho vay kinh doanh BĐS. (Ảnh: Techcombank)

Nhìn chung, xu hướng được ghi nhận tại phần lớn các ngân hàng là tăng số dư tuyệt đối trong cho vay BĐS nhưng giảm tỷ trọng của lĩnh vực này trên tổng dư nợ so với năm trước đó.

Không hạn chế dòng vốn đối với nhu cầu thực

Nhận định về tình hình kiểm soát nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo các nhà băng đều khẳng định hiện nay các khoản nắm giữ đều an toàn.

"Tại Techcombank trong 5 năm qua chưa gặp vấn đề nào đối với các khoản vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu với danh mục tín dụng này gần như bằng 0. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì những định hướng với cho vay bất động sản. Và trong dài hạn, Techcombank kỳ vọng có những cơ hội đầu tư tốt cho người dân Việt Nam" - ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho hay.

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo ABBank cho biết: ABBank là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay BĐS, không nằm trong nhóm bị cảnh báo hay hạn chế. Do đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay BĐS thời gian tới.

Như vậy, trước quan ngại của nhiều người dân về việc siết tín dụng BĐS, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, khẳng định Ngân hàng Nhà nước hiện chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với BĐS.

"Việc một số ngân hàng gần đây tạm dừng giải ngân cho lĩnh vực này chỉ là tình trạng cục bộ do đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2022. Bởi vậy, đương nhiên lĩnh vực bất động sản phải phanh lại. Hoặc một số dự án, chủ đầu tư còn tồn tại vấn đề về pháp lý nên cũng phải tạm dừng”, TS. Lực cho hay.

Tình trạng này dự báo sẽ sớm được giải quyết khi mới đây các ngân hàng cho biết đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay.

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế "tín dụng đen". Với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng. Ngoài ra, các dự án khả thi, có đủ điều kiện về pháp lý hoàn toàn có thể thuyết phục các tổ chức tín dụng cũng như đối tác hỗ trợ vốn.

Bùi Tam