Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh nói gì về những khoản nợ của Techcombank liên quan đến nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát?

Yến Nhi

24/04/2022 17:52

Sáng 23/4, Ngân hàng Techcombank (TCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Bên cạnh câu chuyện chiến lược kinh doanh, việc liên tục không chia cổ tức nhiều cổ đông cũng đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng về việc Techcombank cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu.

dai-hoi-techcombank-1650695612.jpg

Đại hội đồng cổ đông thường niên Techcombank năm 2022

Một cổ đông thắc mắc,Techcombank mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để đầu tư hay phân phối lại? Việc NHNN siết hoạt động đầu tư TPDN có ảnh hưởng như thế nào tới ngân hàng. Việc siết cho vay BĐS của NHNN sẽ ảnh thưởng ra sao tới hoạt động của Techcombank? 

Trả lời vấn đề này ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, những vấn đề làm sạch thị trường được tiến hành vừa qua chỉ là thiểu số. Techcombank luôn thực hiện theo thông điệp sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển thị trường vốn.

Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn và đương nhiên trong đó sẽ có từ phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ,… Thay vì khoản vay trung dài hạn Techcombank tư vấn thành các khoản trái phiếu có thể giúp cho các nhà đầu tư cùng Techcombank đầu tư.

Nói siết trái phiếu thì hơi nặng mà làm lành mạnh cho thị trường trái phiếu, điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà chuyên nghiệp đưa đến thị trường những sản phẩm tốt cho thị trường.

'Tôi không nghĩ chúng tôi có thay đổi về việc thay đổi chiến lược dài hạn về lĩnh vực BĐS của Techcombank.Trong những năm vừa qua Techcombank đang làm rất tốt, các dự án mà TCB đầu tư đều có các chủ đầu tư, lãnh đạo uy tín. Cho vay BĐS tập trung nhiều vào nhóm cho vay người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất, hoặc dạng có khả năng đầu cơ, không mạng lại giá trị thặng dư.

Ngân hàng nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Lý do mà Techcombank giữ trái phiếu nhiều vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư',  ông Hồ Hùng Anh cho biết.

screenshot-1-1650695612.jpg

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Một vấn đề khác liên quan đến những thông tin trên thị trường thời gian qua là những khoản đầu tư cũng như nợ xấu tiềm năng của Techcombank và TCBS đến nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát cũng được một cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo Techcombank. 

Trả lởi vấn đề này, chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank không có liên quan gì đến các khoản vay của Vạn Thịnh Phát. Các trái phiếu và khoản vay của Techcombank đều vào các dự án có giấy tờ hợp lý, đang triển khai bán hàng, không đầu tư vào các dự án treo, giấy tờ không hợp lý.

Một cổ đông thắc mắc, lần tăng vốn gần nhất của Techcombank là 2018 và từ đó đến nay không tăng nữa, vậy kế hoạch tăng vốn trong các năm tới như thế nào?

Trong khi đó, một cổ đông khác cho biết, xu hướng 2020-2021 là chia cổ tức bằng cổ phiếu, như VPBank chia luôn 80% năm 2021 và năm nay chia tiếp 50%, thậm chí còn phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ tăng vốn điều lệ lên lớn nhất ngân hàng, thậm chí vượt các ngân hàng quốc doanh. "Nếu chúng ta chia cổ tức bằng cổ phiếu thì chúng ta vẫn giữ lại lợi nhuận, tại sao chúng ta không làm? Vốn điều lệ càng lớn thì uy tín càng lớn. Nếu chia thì vốn điều lệ của chúng ta cũng sẽ không thua VPBank. Thương hiệu của chúng ta cũng nổi bật hơn", vị cổ đông này đặt câu hỏi.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, có nhiều luồng ý kiến về việc chia cổ tức, một bên muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, một bên muốn chia để tăng vốn.

"Lộ trình chia cổ tức còn phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng hàng, mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông dài hạn. Tôi cũng là cổ đông nhưng các vị.", ông Hùng Anh chia sẻ.

Chủ tịch Techcombank lý giải, hiện nay Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.

Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank đã chia tới 200%. "Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đồng".

Ông Hùng Anh cũng cho rằng, điều mà ngân hàng cần quan tâm, suy nghĩ là làm gì để thị trường định giá đúng về ngân hàng.

"Cách đây 5 năm, tôi đã nói không chia cổ tức trong 10 năm, nhưng 2017-2019 thì giá trị đã tăng gấp nhiều lần, là chiến lược phù hợp". Còn về việc điều chỉnh vốn điều lệ, tăng vốn từ phát hành cho NĐTNN, ngân hàng sẽ xem xét sao cho hợp lý.

Yến Nhi