Ngân hàng 150 tuổi của Đức lâm vào khủng hoảng

dang.pham

Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà Deutsche Bank đang có mặt.

Chủ nhật cuối tuần vừa qua, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức (tính theo tổng tài sản), chính thức công bố phải đóng cửa một số hoạt động tài chính để cải tổ sau thời gian kinh doanh thua lỗ.



Trụ sở Deutsche Bank Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý

Trong thông cáo báo chí, Deutsche Bank cho biết sẽ giảm đáng kể quy mô của mảng ngân hàng đầu tư nhằm cắt giảm chi phí đến năm 2022.

Đáng chú ý, sẽ có khoảng 18.000 nhân viên có hợp đồng toàn thời gian của ngân hàng trên toàn cầu sẽ mất việc trong cuộc cải tổ này của Deutsche Bank.

Đến Việt Nam từ năm 1992, hiện Deutsche Bank có khoảng 70 nhân viên. Năm 2018, thị trường Việt Nam đem về cho Deutsche Bank 21 triệu Euro. Trong đó, lợi nhuận tại Việt Nam của Deutsche Bank đạt 11 triệu Euro.

Trong nỗ lực tái cấu trúc, Deutsche Bank phải ngưng hoạt động equities business (mua bán cổ phần) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Tuy nhiên, Deutsche Bank cho biết vẫn duy trì quỹ DWS - một quỹ quản lý tài sản của ngân hàng này trên toàn cầu, một chiến lược chính của ngân hàng trong những năm tới, theo thông cáo báo chí.

Các hoạt động cải tổ toàn bộ hệ thống của Deutsche Bank không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường Việt Nam vì khoản đầu tư của ngân hàng này tại Việt Nam tương đối nhỏ so với các quỹ khác, nhận định của một chuyên gia quỹ đầu tư tại Việt Nam. Một số ý kiến khác lại cho rằng, khả năng rút lui của Deutsche Bank khiến các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội với các cổ phiếu mà quỹ của ngân hàng này đang đầu tư.

Hiện Deutsche Bank có quỹ chính đang hoạt động tại Việt Nam là FTSE Vietnam với quy mô khoảng 300 triệu USD. Vinhome, Vincom, Vinamilk, Vietcombank, Masan, SSI là một số công ty mà Deutsche Bank đang đầu tư dưới hình thức quỹ FTSE Vietnam.

dang.pham