Tại Việt Nam, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Ngành đang giải quyết gần 5% tổng số việc làm và đóng góp 15% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị hơn 33 tỉ USD gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và ngành may mặc đều tăng trưởng âm. Trong đó, xuất khẩu may mặc bốn tháng đầu năm 2020 giảm gần 10% so với cùng kỳ, 100% đơn hàng nửa đầu năm đã bị hủy. Nhưng báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của COVID-19 và xa hơn nữa” do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) thực hiện với sự tài trợ của ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may không chỉ đến từ COVID-19 mà còn đến từ sự thay đổi của sản xuất và tiêu dùng toàn cầu sau COVID-19.
Khó khăn trong COVID-19
Cuối năm 2019, Báo cáo thường niên của McKinsey về ngành thời trang phát hành đã đưa ra nhận định không mấy lạc quan đối với ngành, trong đó cảnh báo về một làn sóng giảm nhu cầu mua sắm và sự khó khăn gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng COVID-19 đã khiến ngành may mặc và thời trang thêm lún sâu vào những tháng ngày khó khăn.
Theo bản cập nhật vào tháng 4.2020 của Báo cáo thường niên về thời trang do McKinsey thực hiện, giá trị vốn hóa thị trường trung bình của hàng thời trang may mặc và những mặt hàng ở phân khúc cao cấp đã giảm gần 40% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1.2020 - 3.2020. Theo ước tính của McKinsey, năm 2020, doanh thu ngành may mặc sụt giảm 30% - 40% tại các cửa hàng ở châu Âu, và 80% ở các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm virus cao.
Là ngành phụ thuộc vào thị trường bên ngoài ở cả hai khâu nguồn cung và nhu cầu, với sức tiêu thụ của thị trường trong nước khá thấp, sự suy giảm của ngành dệt may Việt Nam không tránh khỏi sự suy giảm chung của thị trường dệt may toàn cầu. Nhìn sơ bộ, xuất khẩu của dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi Trung Quốc chiếm gần 70% xuất khẩu sợi của Việt Nam còn ba khu vực chịu ảnh hưởng COVID-19 nặng nề nhất gồm Mỹ, EU và Nhật Bản chiếm 70% giá trị xuất khẩu của hàng may mặc.
Tính đến hết Quý 1/2020, toàn cầu chỉ tiêu thụ 136,6 tỉ USD hàng may mặc, giảm tới 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do không có thị trường tiêu thụ chủ lực nào (Mỹ, EU(28) hay Trung Quốc) có mức tăng trưởng nhập khẩu. Nhật Bản là nền kinh tế có mức tiêu thụ tăng (2,3%) nhưng chỉ chiếm 7% tỷ trọng toàn cầu, do đó không đủ tạo ra sức cầu lớn cho ngành. Hơn nữa, thời điểm Quý 1/2020 là khi các nền kinh tế lớn chưa thực sự chứng kiến đại dịch COVID-19 lan rộng ở trong nước, do đó số liệu suy giảm này chưa thực sự phản ánh hết mức độ khó khăn mà các nước xuất khẩu hàng may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan hay Sri Lanka phải đối mặt.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4.2020, xuất khẩu may mặc Việt Nam đạt 8,65 tỉ USD (giảm 8,8% so với cùng kỳ 2019). Đặt trong bối cảnh chung là xuất khẩu của Việt Nam tăng 2% trong bốn tháng đầu năm thì ngành may mặc đang cho thấy mức độ dễ tổn thương về tiêu dùng của loại hàng hóa này. Đến hết tháng 4.2020, nhập khẩu dệt may Việt Nam đạt 6,85 tỉ USD (giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước). Mức giảm này cũng cao hơn nhiều so với mức giảm chung (0,3%) của toàn bộ các ngành kinh tế.
Về tổng thể, 39,1% tổng số doanh nghiệp dệt may tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước và 34,5% cho biết COVID-19 khiến hàng hóa bán ra không xuất khẩu được. Nhưng tỷ lệ này rất khác biệt nếu xét theo tính chất sở hữu và quy mô. Đối với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp quy mô lớn (sản xuất chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới) thì đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu bị suy giảm nghiêm trọng. Có 58,3% số doanh nghiệp FDI và 70,5% số doanh nghiệp lớn cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, 88,9% số doanh nghiệp khảo sát bị suy giảm thị trường tiêu thụ trong nước.
Khó khăn sau COVID-19
Khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam là tình trạng phục hồi sản xuất sau đại dịch sẽ đối diện với thách thức từ sự thay đổi phía cầu cả.
Trước hết, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường: khiến cho việc mở cửa lại các thị trường sẽ chậm chạp và bất trắc, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối diện với rủi ro rơi vào suy thoái, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu.
Tiếp theo, là sự suy giảm cầu trong ngắn hạn. Do kinh tế thế giới có xác suất rơi vào suy thoái cao nên nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng của các nền kinh tế phát triển châu Âu, Mỹ sẽ khó có thể phục hồi như dự báo ban đầu. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày gây ra sự lo lắng và sự không chắc chắn về tất cả mọi thứ trên phạm vi toàn cầu dẫn đến sự bi quan lan rộng trong tâm lý của người tiêu dùng. Số liệu khảo sát của McKinsey (4.2020) cho thấy 75% người mua hàng ở châu Âu và Mỹ tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong Quý 2.2020 nên sẵn sàng đóng băng chi tiêu và chỉ chi trả cho những gì thiết yếu nhất cho cuộc sống.
Thứ ba, hành vi tiêu dùng thay đổi. Thói quen tiêu dùng của nhiều khách hàng đã thay đổi sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh và viễn cảnh thu nhập suy giảm hoặc không có. Thời trang không phải là mặt thàng nhu yếu phẩm nên sẽ bị cắt giảm nếu có biến động xấu đối với thu nhập của người tiêu dùng.
Thứ tư, tác động của thay đổi công nghệ và vòng đời sản phẩm. Sản xuất đang dịch chuyển với ba xu hướng quan trọng: (i) chú trọng công nghệ hơn lao động giá rẻ, (ii) gần nơi tiêu thụ quan trọng hơn gần nguồn cung, (iii) chú trọng tính linh hoạt hơn quy mô. Điều này sẽ dẫn đến sự tái cấu trúc của chuỗi cung ứng và sản xuất theo hướng bất lợi cho các quốc gia thâm dụng lao động và ở vị trí thấp của chuỗi giá trị. Khó khăn sẽ càng lớn nếu ngành đó không có chuỗi cung ứng được tổ chức tốt.
Thứ năm, EVFTA không phải chìa khóa vàng để mở cánh cổng tương lai cho dệt may Việt Nam. EU (27) chỉ chiếm khoảng 13% thị phần xuất khẩu may mặc. Đây là thị trường “khó tính” hơn thị trường Mỹ nên việc mở rộng thị phần dù có tiềm năng cũng không phải chuyện dễ dàng.
Hoàn thiện chuỗi cung ứng để ứng phó dài hạn với thay đổi của thị trường
Xét quy mô nhỏ ở từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có thể tìm kiếm các thị trường ngách, bù đắp một phần thiệt hại từ thị trường Mỹ và EU. Nhưng xét đến quy mô toàn ngành, việc tìm kiếm thị trường khác có dung lượng đủ lớn để thay thế cho thị trường Mỹ và EU là không khả quan vì nhu cầu dệt may nội địa của Việt Nam chỉ khoảng 5 tỉ USD/năm, trong khi năng lực sản xuất của cả ngành vào khoảng 40 tỉ USD/năm – thị trường nội địa chỉ tương đương 12,5% thị trường xuất khẩu, chưa tính đến mức độ khác biệt về chất lượng và giá cả. Việc tăng cường bán hàng ở thị trường nội địa chỉ giúp giảm bớt chứ không thể bù đắp được thiệt hại từ các thị trường xuất khẩu.
Do đó, về dài hạn, để tăng được giá trị xuất khẩu, thích ứng với thay đổi công nghệ mà các nhà sản xuất, các hãng thời trang lớn đang áp dụng, ngành dệt may cần tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng một số giải pháp dài hạn.
Thứ nhất, nới lỏng hạn chế đầu tư với ngành dệt trên cơ sở có các tiêu chuẩn môi trường cụ thể, ở mức cao và quy hoạch khu công nghiệp dệt may tập trung.
Thứ hai, sử dụng nguyên liệu đầu vào có giá trị cao hơn. Để làm được điều này cần có chuỗi cung ứng mới để đa dạng hóa nguồn cung mới với nguyên liệu đầu vào.
Thứ ba, nhập khẩu vải nhưng làm gia tăng giá trị. Cách hiệu quả để tăng giá trị là nhập khẩu vải song song với sản xuất phụ kiện trong nước và tăng cường chất lượng vải và phụ kiện trong nước. Cả hai đều đòi hỏi điều chỉnh chuỗi cung ứng.
Thứ tư, các nhà sản xuất trong nước cần chuyển từ CMT sang OEM và cao hơn là ODM. Các doanh nghiệp gia công theo đơn hàng cần mở rộng đến tận công đoạn mua nguyên vật liệu và thiết kế. Như vậy, cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng với sự tham gia của nhà sản xuất vào quá trình đặt hàng và giao nguyên vật liệu nhập khẩu và phân phối sản phẩm đến đại lý mua hàng và nhà bán lẻ.
TS. Phạm Sỹ Thành - ThS. Trần Văn Hoàng - ThS. Đỗ Thị An Giang