Năm cách thức COVID-19 thay đổi các công ty khởi nghiệp Fintech

caodung

22/04/2020 06:15

Điều kiện bất lợi hơn, các start-up Fintech cần thay đổi để thích ứng: điều chỉnh kêu gọi vốn, tổ chức sự kiện online, chú trọng ứng dụng ngân hàng, sáng kiến vì cộng đồng và chấp nhận rủi ro.

COVID-19 đem lại bối cảnh kinh tế vĩ mô mới với những thay đổi lớn diễn ra từng ngày. Các chính phủ đang thực thi các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Chẳng hạn, Pháp đưa ra gói hỗ trợ 4 tỉ EUR, Đức đề xuất gói cứu trợ 2 tỉ EUR. Một vài các biện pháp khác cũng được chính phủ Hà Lan thực thi. Và khi các cộng đồng sáng tạo bắt đầu huy động nguồn lực và yêu cầu hỗ trợ, chính phủ Anh cũng đưa ra một số biện pháp cứu trợ. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đang thử nghiệm điều chỉnh mức thu nhập cơ bản.

Để có góc nhìn rộng hơn về tác động của COVID-19 đối với các công ty khởi nghiệp, Techleap - một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Bộ kinh tế và Chính sách khí hậu Hà Lan đã thực hiện một khảo sát về hệ sinh thái khởi nghiệp. Khảo sát thể hiện quan điểm và cảm nhận của các nhà sáng lập và các công ty đầu tư mạo hiểm, cũng như nhu cầu hiện tại và các biện pháp có thể thực hiện. Hầu hết các nhà sáng lập đều cho rằng họ cần được tài trợ ngắn hạn, trong khi 65% các quỹ đầu tư mạo hiểm đang trì hoãn việc này.

Để hiểu toàn bộ hệ sinh thái không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đâu là gợi ý cho các công ty khởi nghiệp và đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực Fintech? Chỉ vài tuần trước thôi, các công ty này còn ở trong điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Sự thay đổi do COVID-19 mang đến quá nhanh chóng.

Không có gì ngạc nhiên, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đang có những dấu hiệu đầu tiên về sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Hầu hết các công ty này đều có lợi thế về đội ngũ và hệ thống linh hoạt. Bây giờ vấn đề là sức chống chịu và hiệu quả của dịch vụ. Có năm khuynh hướng trong ngành Fintech như sau:

1. Trợ vốn trong bình thường mới

Một số chuyên gia gợi ý các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech nên hoãn lại việc tìm nguồn đầu tư. Về mặt tích cực, các công ty khởi nghiệp chỉ cần sống sót qua thời điểm này thì có thể trở thành người dẫn đầu thị trường trong tương lai.

Đối với các công ty sắp đạt được bước chốt thỏa thuận, mọi việc có vẻ thuận lợi hơn, chẳng hạn: Yapily đã đạt được mức tài trợ 12 triệu EUR trong Series A từ các nhà đầu tư hiện tại cùng với các nhà đầu tư thiên thần. Các công ty Fintech khác cũng chốt được thỏa thuận đầu tư gần đây là Lunar và Lanister.

2. Chuyển sang các sự kiện trực tuyến

Ngành khởi nghiệp Fintech, giống như các ngành công nghệ khác, khá phụ thuộc vào các sự kiện. Mỗi năm sẽ có vài lần cộng đồng sáng tạo Fintech họp lại ở các thành phố lớn như Amsterdam, Berlin hoặc Paris. Đây là nơi quan hệ đối tác được thắt chặt hoặc các thỏa thuận đầu tư được ký kết. Hiện hầu hết các sự kiện này hiện bị tạm hoãn hoặc hủy bỏ. Một số đã chuyển hướng thành sự kiện trực tuyến với phần hỏi đáp trực tiếp qua các thiết bị di động hoặc các loại hội thảo trực tuyến khác. Khi các sự kiện trực tuyến trở nên phổ biến, các công ty khởi nghiệp nên phân bổ lại ngân sách phát triển các sáng kiến phục vụ các công việc kinh doanh cần phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

3. Cơ hội cho các dịch vụ tài chính trực tuyến

Đối với các ngân hàng bán lẻ nhỏ (challenger bank) và các ứng dụng Fintech, việc khách hàng phải làm việc tại nhà chính là cơ hội mới. Sự gia tăng thanh toán điện tử và tăng mạnh trong việc chọn dùng ứng dụng di động đồng nghĩa một số ứng dụng Fintech chứng kiến mức tăng 72% mức độ sử dụng.

Các ngân hàng kiểu mới như Monzo đang đưa ra một loại lựa chọn trả nợ cho các khoản khấu chi hoặc vay vốn. Các ngân hàng khác như Tide cũng cung cấp hướng dẫn cho khách hàng doanh nghiệp, tạo ra các sổ tay và bản tin.

Cộng đồng Fintech cũng thấy được nhiều mối quan hệ hợp tác hiếm có, chẳng hạn như Microsoft chung đội với Plaid để cho phép mọi người tự động nhập dữ liệu tài khoản cá nhân và thẻ tín dụng vào Excel.

4. Chấp nhận một số rủi ro

Một số công ty khởi nghiệp đang thực sự làm được như những gì đã hứa, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới ngay trong bối cảnh COVID-19. Một ví dụ cho việc chấp nhận rủi ro là Bux, hiện mới tung ra nền tảng tiền điện tử với mức hoa hồng bằng 0. Các công ty đầu tư mạo hiểm đang đặt cược vào tiền điện tử với việc Speedinvest tuyên bố hợp tác với công ty khởi nghiệp tiền điện tử Bitpanda của Áo.

5. Các sáng kiến ​​tập trung vào cộng đồng

Các công ty khởi nghiệp Fintech cũng đang hỗ trợ cộng đồng trong thời gian này. Từ tư vấn miễn phí, hủy bỏ hoặc miễn phí giao dịch, quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận và bệnh viện, cho đến các sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm chưa từng thấy trước đây. COVID-19 có thể là động lực thúc đẩy sự khởi đầu của một hành vi mới trong ngành nghề Fintech, khi các nhu cầu của cộng đồng dần trở thành ưu tiên chính trong kinh doanh.

Theo EU Start-ups

 

caodung