Mười năm xuất khẩu hàng chế biến chế tạo sang Trung Quốc tăng 40 lần

minhtam

16/04/2020 11:04

Hàng chế biến chế tạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 40 lần trong vòng mười năm - khoảng thời gian Trung Quốc xây dựng thành công những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo nhóm ngành. Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý tổng hợp từ Tổng cục Hải quan.
Tỉ trọng của các nhóm ngành trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý tổng hợp từ Tổng cục Hải quan.
Một số mặt hàng xuất chủ chốt của ngành chế biến, chế tạo sang Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Một số mặt hàng xuất chủ chốt của ngành chế biến, chế tạo sang Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Năm 2009, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 730 triệu USD hàng hóa thuộc nhóm ngành chế biến chế tạo. Mười năm sau, con số này gấp 40 lần, lên mức 29,4 tỉ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Từ tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc (gần 15%) vào năm 2009, đến nay, các sản phẩm chế biến, chế tạo sang thị trường này chiếm trên dưới 75%. Hàng nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh xuất sang nước láng giềng bị soán ngôi bởi các mặt hàng lĩnh vực sản xuất.

Từ năm 2009, sau khủng hoảng kinh tế, Việt Nam mở cửa hơn nữa trong việc thu hút đầu tư FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh vào ngành chế biến chế tạo. Giá trị xuất khẩu của toàn ngành năm 2019 gấp tám lần mười năm trước. Nhưng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu ngành chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng vượt bậc.

Đây cũng là khoảng thời gian Trung Quốc có sự thay đổi lớn. Không còn là nước thu hút FDI với nhân công giá rẻ vào các ngành lao động giản đơn như hơn 30 năm trước, Trung Quốc đã xây dựng thành công mạng lưới sản xuất. Các chuỗi cung ứng toàn cầu hình thành từ đây. Đất nước có GDP lớn thứ hai chỉ sau Mỹ được mệnh danh là công xưởng sản xuất của thế giới.

Không chỉ những tiến bộ về công nghệ, thành công nhất của Trung Quốc trong thập kỷ qua phải kể đến việc xây dựng được các chuỗi cung ứng. Khâu sản xuất của hầu hết những tên tuổi lớn đều có mặt ở đây. Thời gian qua nổi lên câu chuyện dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, ngoài lý do các hãng lo ngại phụ thuộc quá nhiều vào nước này hay để tránh rủi ro chiến tranh thương mại, một phần quan trọng khác đến từ việc Trung Quốc thay đổi chiến lược trong thu hút FDI và phát triển công nghiệp, công nghệ. Bắc Kinh đặt tham vọng nhiều hơn vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng trong một số ngành quan trọng trong tương lai như công nghệ bán dẫn, sản xuất con chip.

Tuy nhiên, việc di chuyển hoàn toàn các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc không dễ dàng. Các nước nhỏ cũng không đủ sức tiếp nhận hay tạo ra những chuỗi cung ứng mới. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ phân tán hơn. Và Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi đó.

Một loạt các đối tác sản xuất linh kiện cho Apple có mặt ở Việt Nam. Năm 2018, GoerTek - một trong những đối tác quan trọng của hãng này đầu tư 260 triệu USD mở nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh tại Bắc Ninh. Luxshare Precision Industry, một công ty điện tử hàng đầu Trung Quốc sản xuất linh kiện cho Apple hiện đang có một nhà máy ở Việt Nam và đang trong quá trình xây dựng thêm ba nhà máy nữa. Thay vì vài trăm triệu USD xuất khẩu năm 2009, nhóm hàng điện thoại linh kiện, máy tính, linh kiện điện tử đóng góp hơn 20 tỉ USD năm 2019.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn mạnh nhất vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất lốp xe, hóa chất dệt nhuộm… Dự án đầu tư FDI lớn thứ tư vào Việt Nam trong năm 2019 với số vốn 280 triệu USD thuộc doanh nghiệp chế tạo lốp xe của nước này. Một dự án hơn 200 triệu USD khác cho sản xuất lốp cao su cũng đến từ nhà đầu tư Trung Quốc. Ngành công nghiệp nặng xuất sang Trung Quốc hơn hai tỉ USD năm 2019.

Tâm Phạm

minhtam