Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không phải lúc nào các cơ quan báo chí hay các nhà báo cũng có thể thực hiện tốt và hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội. Có một số nhà báo đã đưa tin không đúng sự thật, không khách quan, thậm chí lợi dụng hoạt động báo chí để sách nhiễu, vụ lợi, gây khó khăn, thiệt hại cho các cá nhân, tập thể hoặc tổ chức bị phản ánh sai lệch. Đây là những hiện tượng tiêu cực, làm “méo mó” bản chất và giá trị tích cực, tốt đẹp của chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, cần phải được xử lý nghiêm minh, nhằm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, bảo vệ uy tín của những cơ quan báo chí và các nhà báo chân chính, phát huy cao nhất những vai trò và ý nghĩa cao đẹp của hoạt động báo chí.
Mặt khác, những hạn chế trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí cũng xuất phát từ những hạn chế của các quy định pháp luật.
Chưa có các quy định trực tiếp về chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) (Dự thảo luật). Dự thảo luật cũng đã có nhiều quy định thể hiện và đảm bảo cho chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí (Điều 3, 4, 5, 6, 28, 32, 33,... của Dự thảo luật) nhưng vẫn chưa “xứng tầm” với vị trí và vai trò của các chức năng này trong hoạt động báo chí. Việc quy định các chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí thành một chế định pháp lý trực tiếp và đồng bộ sẽ tạo ra những cơ sở pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng hơn, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện trên thực tế.
Mặt khác, tại Điều 3 của Dự thảo luật đã bỏ nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí trong việc “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (đang được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 của Luật Báo chí năm 2016). Việc bỏ quy định này sẽ làm suy giảm chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí. Bởi vì, việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được trong chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí.
Trên thực tế, báo chí đã góp phần rất lớn vào việc vạch trần nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù, vẫn còn những hạn chế và mặt trái nhất định nhưng cũng không thể phủ nhận những vai trò rất tích cực, hiệu quả của báo chí trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Đặc biệt, với thế mạnh là sức lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ và rộng lớn thì báo chí cần phải được xác định là lực lượng đi đầu, không thể thiếu được trong công đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật và tiêu cực trong xã hội. Do đó, Dự thảo luật cần bổ sung các quy định để quản lý tốt hơn, thay vì loại bỏ quy định này.
Đồng thời, việc giữ nhiệm vụ, quyền hạn này của báo chí cũng sẽ tạo ra sự thống nhất với quy định về nghĩa vụ của nhà báo trong việc “phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm” (điểm b khoản 3 Điều 28 Dự thảo luật), tránh được những cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất, hoặc phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Nên duy trì việc cấp thẻ nhà báo cho người làm việc tại Tạp chí khoa học
Theo khoản 1 Điều 29 Dự thảo luật quy định: “Những người làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo”.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 28 Dự thảo luật có quy định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”.
Do đó, khi những người làm việc tại các tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo thì đồng nghĩa với việc họ cũng không phải là nhà báo, và không có các quyền và nghĩa vụ của nhà báo.
Điều này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người làm việc tại các tạp chí khoa học và các tạp chí thuộc các lĩnh vực khác (kinh tế, văn hóa, du lịch,...) mà còn gây khó khăn rất lớn cho các họ trong việc tiếp cận và khai thác thông tin.
Có nhiều tạp chí khoa học không chỉ công bố kết quả nghiên cứu khoa học mà còn thông tin về các hoạt động khoa học, công nghệ, phản biện các chính sách, và kết nối tri thức khoa học, công nghệ với công chúng, doanh nghiệp và các nhà quản lý. Do đó, quy định này không chỉ ảnh hưởng đến những người làm báo khoa học mà có thể làm suy giảm chất lượng công tác truyền thông, kết nối, phổ biến tri thức và thông tin về khoa học, công nghệ. Điều này là đi ngược lại với xu thế của thời đại, không phù hợp với chủ chương ưu tiên, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, coi đây một trong những “đột phá quan trọng hàng đầu”, là “động lực chính” để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi vẫn nên duy trì việc cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí khoa học, còn để hạn chế các tiêu cực, vi phạm thì có thể đặt ra các phạm vi, giới hạn hoạt động phù hợp, cũng như có các chế tài xử lý nghiêm minh.