Một thập kỷ EVFTA

thunguyen

12/02/2020 20:57

Tròn 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán vào tháng 10.2010, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn hôm nay 12.2.

Với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) vào lúc 18h30 (giờ Việt Nam), Bộ Công Thương thông báo. 

 

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nhìn nhận, đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam và cuộc bỏ phiếu ngày 12.2 là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ.

 

Tại họp báo tối ngày 12.2, Bộ trưởng Công Thương, ông Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định trong thời gian tới. Về phía Liên minh châu Âu (EU), EVFTA cần thêm sự phê chuẩn từ Hội đồng Châu Âu. 

 

Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU.Đây là hiệp định được doanh nghiệp hai bên mong chờ khi xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới.

Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiều 30.6.2019 tại Hà Nội. - Ảnh: VGP
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiều 30.6.2019 tại Hà Nội. - Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nước ép trái cây sang châu Âu chờ đợi EVFTA khi cho rằng hiệp định sẽ mở ra cơ hội to lớn không chỉ với công ty mà cho cả ngành xuất khẩu trái cây chế biến nói chung nhờ giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu nước ép trái cây vào EU đang là 7% và có thể được dỡ bỏ nếu EVFTA được thông qua. Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam cho biết ông kỳ vọng vào việc dỡ bỏ những hàng rào kỹ thuật từ châu Âu hơn là dỡ bỏ thuế. 


Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN sau Singapore, với trị giá 47,7 tỉ Euro hàng hóa và 3,6 tỉ Euro dịch vụ. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang EU là thiết bị viễn thông, quần áo và thực phẩm trong khi EU chủ yếu xuất khẩu các loại hàng hóa như máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản sang Việt Nam.


Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đang chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng Năm này. Nếu được, dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ 1.7.2020, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Bộ Công Thương và Chính phủ có thể sẽ dự thảo sẵn các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì công bố để lấy ý kiến người dân. 


Hiệp định EVIPA dự kiến sẽ có hiệu lực chậm hơn EVFTA vì vẫn thêm sự phê chuẩn của từng nước thành viên EU.

Tâm Phạm

 

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Một thập kỷ EVFTA" tại chuyên mục Khoa học quản lý.