Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lãi gần 400 tỷ đồng trong quý I, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ

Hồng Hạnh

24/04/2025 10:38

Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 394 tỷ đồng, tăng 278,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có được nhờ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là tiêu dùng – bán lẻ, cùng với việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn khỏi lĩnh vực không còn trọng tâm.

khach-hang-mua-sam-rau-cu-tai-sieu-thi-winmart-1745465829.JPG
 

Doanh thu hợp nhất trong quý đạt 18.923 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5%. Trong đó, Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu tăng 13,8% lên 7.489 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế phân bổ đạt 1.614 tỷ đồng. WinCommerce (đơn vị vận hành chuỗi WinMart/WinMart+) có doanh thu tăng 10,4%, đạt 8.785 tỷ đồng và tiếp tục có lãi quý thứ ba liên tiếp.

Phúc Long Heritage – thương hiệu đồ uống do Masan sở hữu – đạt doanh thu 424 tỷ đồng, tăng gần 10%, lợi nhuận tăng gần gấp đôi lên 43 tỷ đồng. Masan MEATLife cũng ghi nhận quý thứ ba liên tiếp có lãi, với lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, doanh thu tăng hơn 20%.

Ở mảng vật liệu công nghệ cao, Masan High-Tech Materials ghi nhận doanh thu 1.393 tỷ đồng (+12%), lỗ ròng giảm đáng kể sau khi hoàn tất thoái vốn khỏi công ty con tại Đức.

EBITDA hợp nhất đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 22% so với quý I/2024, nhờ cải thiện hiệu quả vận hành. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ ròng/EBITDA) giữ ổn định ở mức 2,9 lần.

Cho cả năm 2025, Masan đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất từ 80.000–85.500 tỷ đồng, tăng 7–14% (so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế trước phân bổ dự kiến từ 4.875–6.500 tỷ đồng, tăng 14–52%.

Chủ tịch Masan – ông Nguyễn Đăng Quang – nhận định hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ tích hợp mà tập đoàn xây dựng trong 5 năm qua đã bước vào giai đoạn tăng tốc và tạo ra giá trị lợi nhuận bền vững.

Hồng Hạnh