Lợi thế về du lịch nông nghiệp và các sản phẩm OCOP của Quảng Bình đang nằm ở đâu?

Thảo Nguyên

03/08/2024 11:29

Những cuộc phát động thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trong toàn ngành du lịch, ngành nông nghiệp. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền vận động thực hiện các tiêu chí về lĩnh vực du lịch nông nghiệp, mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Quảng Bình, với hy vọng phát huy tốt các lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn trong thời gian tới…

Quảng Bình thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, nằm ở vị trí trung lộ của cả nước, nơi hẹp nhất dải đất miền Trung, Quảng Bình là tỉnh có nhiều ưu thế về tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch nông thôn với hệ thống các di tích lịch sử, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống.

Có thể khẳng định rằng, những tiềm năng, lợi thế trên đã làm nên sự đa dạng và khác biệt về du lịch nông thôn của tỉnh Quảng Bình. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xác định việc phát triển du lịch nông thôn là một nội dung quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch, thực hiện các nội dung của ngành Du lịch tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bám sát mục tiêu quốc gia

Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp các sở, ngành, chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn (bao gồm du lịch cộng đồng) gắn với xây dựng nông thôn mới tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung các nội dung của Chương trình phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ và Kế hoạch của UBND cấp huyện.

Để thực hiện điều này, tỉnh Quảng Bình cũng có những kế hoạch bố trí nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới để giúp các xã nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có thêm nhiều tiêu chí trong việc phát triển du lịch; nghiên cứu, xây dựng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển của các mô hình du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

anh-chup-man-hinh-2024-08-08-luc-113828-1723091963.png
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp của Quảng Bình đã thu hút được rất nhiều du khách. Ảnh: Oxalis Adventure

Phát triển bền vững du lịch xanh - du lịch nông nghiệp

Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh Quảng Bình. Xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình. Song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm thì xu hướng phát triển du lịch khác nhau, kéo theo đó là phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử,... và một xu hướng hiện nay đã và đang hình thành, phát triển là du lịch xanh gắn với chương trình OCOP.

Quảng Bình có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh - du lịch nông nông nghiệp, đặc biệt là có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp…

Bên cạnh đó, để đảm bảo chuỗi giá trị của du lịch xanh, không thể không nhắc đến các sản phẩm OCOP. Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao). Việc gắn sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch xanh không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP mà còn tạo tạo cho loại hình du lịch xanh có thêm nhiều trải nghiệm đậm đà sắc thái văn hóa địa phương.

Để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó như đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh – du lịch nông nghiệp gắn với nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả cao hơn.

4e94a7e4a162033c5a73-1723091516.jpg
Một sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch xanh, các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch Netzero,... Liên kết với các công ty lữ hành để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu các bon tiêu thụ; phố biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch xanh, du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, các sản phẩm OCOP đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động du lịch, công tác kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm OCOP được công nhận.

Cần cái bắt tay giữa các ngành

Quảng Bình hội tụ rất nhiều yếu tố để phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Sở Du lịch và các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai các mô hình, chương trình nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, góp phần đa dạng hoá ngành du lịch của tỉnh nhà, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch hiểu về tầm ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ góp phần thực hiện bền vững các tiêu chí bền vững trong xây dựng nông thôn mới và góp phần xây dựng nông thôn trở thành một vùng quê đáng sống, giàu bản sắc văn hoá.

Bên cạnh đó, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn; Phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền và từng địa phương, có chất lượng đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm, cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).

anh-chup-man-hinh-2024-08-08-luc-113634-1723091831.png
Nông thôn mới ở xã miền núi Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đẹp lạ với mô hình du lịch. Ảnh: Oxalis Adventure

Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Thảo Nguyên