Lợi nhuận mùa dịch gây ngạc nhiên của tập đoàn chuỗi thức ăn nhanh Trung Quốc

caodung

08/05/2020 11:18

Mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ COVID-19, Yum China, tập đoàn điều hành các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền tại Trung Quốc vẫn duy trì lợi nhuận dương.

Yum China, công ty nhận nhượng quyền gốc (master franchise) tại Trung Quốc đại lục của các thương hiệu cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Pizza Hut, và Taco Bell, công bố lợi nhuận quý I (kết thúc ngày 31.3) trong bối cảnh gián đoạn hoạt động do COVID-19. Trước đó, tập đoàn từng lo ngại thua lỗ nguyên năm 2020. Mặc dù doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận hoạt động của công ty đạt 97 triệu USD, dù có mở rộng hỗ trợ cho nhân viên và bên nhận nhượng quyền trong thời gian đóng cửa nhiều nhà hàng trên khắp cả nước.

Lệnh phong tỏa của chính quyền Trung Quốc bắt đầu từ Vũ Hán từ ngày 23.1, sau đó lan sang nhiều tỉnh thành khác của trong cao điểm bùng phát dịch, và chỉ dần nới lỏng từ cuối tháng Ba. Tương ứng với diễn biến đại dịch, Yum China đóng cửa khoảng 35% cửa hàng đến giữa tháng Hai. Đến cuối tháng Tư, hầu như tất cả các cửa hàng đã hoạt động trở lại. Báo cáo của Yum China cho thấy doanh thu phần lớn từ ba tuần đầu tháng Một, sau đó giảm sâu, được cứu vãn một phần nhờ các hoạt động bán mang đi với doanh thu bộ phận này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Các cửa hàng mới cũng được mở chủ yếu từ trước Tết Nguyên đán, nâng tổng số cửa hàng lên đến 9.295 khắp các thành phố trong nước.

Lý do Yum China đạt được kết quả như vậy là nhờ kiểm soát chi phí, cải thiện hiệu suất lao động cho hoạt động giao hàng, đồng thời do sự hỗ trợ của bên cho thuê mặt bằng và chính phủ. “Thành tích trong hoàn cảnh đặc biệt này là một minh chứng cho mô hình kinh doanh linh động và chống chịu tốt. Trải qua được cơn bão này cho chúng ta niềm tin vào khả năng phát triển mạnh mẽ trong các năm tới”, theo CEO Joey Wat của Yum China.

CFO của Yum China Andy Yeung nói rằng dù tình hình ở Trung Quốc đang dần ổn định, công ty vẫn cần cẩn trọng khi lượng khách đến cửa hàng vẫn thấp hơn trước khi xảy ra bùng phát dịch. Trong tháng Tư, doanh thu của một cửa hàng mở cửa bình thường chỉ bằng 90% so với trước đây. “Dự đoán thời điểm phục hồi còn xa và tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các khu vực và bộ phận. Mặt khác, số người nhiễm COVID-19 toàn cầu tiếp tục gia tăng. Vẫn khó dự đoán tác động đầy đủ của đại dịch đối với nền kinh tế và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng”, theo ông Yeung.

Bên cạnh menu món ăn phương Tây, Yum China cũng đang thiết lập hệ thống nhà hàng truyền thống Trung Hoa gồm Little Sheep, East Dawning và HJH mới gia nhập. Yum China còn phát triển thương hiệu cửa hàng cà phê COFFii & JOY (2018) và chuẩn bị khai trương cửa hàng cà phê Ý Lavazza.

Yum Brands, công ty mẹ trụ sở tại Mỹ của Yum China trước khi công ty này tách riêng năm 2016, báo cáo doanh thu quý 1 tăng nhẹ (từ 1,25 lên 1,26 tỉ USD) so với cùng kỳ 2019, do thời điểm tác động của COVID-19 tại Mỹ chậm hơn Trung Quốc. Tập đoàn thức ăn nhanh Mỹ đang phải nhanh chóng thay đổi để ứng phó với dịch bệnh bằng giao hàng không tiếp xúc và công nghệ số. “Thay đổi trong ba tháng tới tính từ bây giờ đáng giá ngang bằng ba năm đối với hoạt động kinh doanh”, theo lời của ông David Gibbs, CEO của Yum Brands ngày 29.4.

Cao Dung

caodung