Kỳ lân VNG rót 510 tỷ đồng vào nền tảng e-commerce Telio

Nguyên An

12/11/2021 14:03

VNG ngày hôm nay (12/11) vừa thông báo đầu tư 22,5 triệu đô la Mỹ (tương đương 510 tỷ đồng) vào Telio qua vòng gọi vốn Pre-Series B, một nền tảng thương mại điện tử B2B.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung.

Telio được thành lập vào tháng 11 năm 2018 bởi một đội ngũ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ, bán lẻ, vận tải và tài chính. Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty, ông Bùi Sỹ Phong, có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị viễn thông và ngân hàng tại Pháp và Việt Nam.

vng-12-11-2-1636692621.jpg

Đây cũng là nền tảng e-commerce B2B đầu tiên của Việt Nam. Tại TP.HCM và Hà Nội, Telio hiện đang phục vụ 15.000 cửa hàng tạp hóa với hệ thống 12 kho bãi lớn, nhỏ và đang là đối tác tin cậy của nhiều nhãn hàng lớn.

Vào giữa năm nay, Telio công bố mở rộng phạm vi hoạt tại Thanh Hoá và Khánh Hoà, nhắm đến thị trường bán lẻ của các huyện, thị xã, thành phố của 2 khu vực này. Nền tảng cũng đặt mục tiêu có mặt tại 20 tỉnh thành khắp cả nước vào năm 2022.

Telio được vận hành đa nền tảng, bao gồm Web, App Telio và đặc biệt là gian hàng Telio trên Zalo giúp các đại lý dễ dàng, thuận tiện nhập đơn hàng cũng như theo dõi đơn hàng.

Trước Telio, VNG cũng đã đầu tư vào 2 start-up khác là EcoTruck (thuộc lĩnh vực Logistic) và Got It (nền tảng quà tặng trực tuyến) với giá trị lần lượt là 3.7 triệu đô la Mỹ và 6 triệu đô la Mỹ.

VNG nổi tiếng với nhiều khoản đầu tư vào thương mại điện tử, trong đó nổi tiếng nhất là Tiki. Tính đến đầu năm nay, kỳ lân nắm giữ đến 22,27% cổ phần của Tiki, theo báo cáo tài chính quý 4 của VNG.

VNG đã rót hơn 506 tỷ đồng vào trang thương mại điện tử Tiki nhưng tại thời điểm 31/3/2019, giá trị khoản đầu tư vào Tiki của VNG đã về 0. Sau đó, tới hết quý II năm 2020, tổng giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết của VNG là gần 37 tỷ đồng gồm Công ty cổ phần Tiki do VNG nắm giữ 22,23%.

Kế hoạch đầu tư vào các nền tảng B2B cũng được đề ra trong kế hoạch năm 2021. Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 7, VNG cũng dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra năm 2020. Lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho công ty là - 619 tỷ đồng do chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh tay cho thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, B2B cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19

Năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt hơn 6.024 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt là 40% và 57% so với năm 2019, tương đương 255 tỷ đồng và 261 tỷ đồng. Con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua.

Nguyên An