Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, sàn thương mại điện tử Việt Nam – Tiki, kỳ vọng có thể kết thúc sớm vòng gọi vốn Series E sau khi nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư, với số vốn thu được cuối cùng dự kiến có thể cao hơn kỳ vọng ban đầu. Ban đầu, mục tiêu của Tiki là phải huy động được 150 triệu cho vòng gọi vốn này, nếu có thêm các nhà đầu tư quan tâm.
Cho đến thời điểm hiện tại, Tiki đã huy động được tổng cộng 120 triệu USD cho vòng gọi vốn Series E. Cụ thể: đầu tháng 7, Tiki được cho là đã chốt được 100 triệu USD đợt đầu tư đầu tiên ở Series E do một nhà đầu tư chiến lược quy mô toàn cầu dẫn dắt; đến tháng 8, tin vui tiếp tục bay đến, khi họ nhận thêm 20 triệu USD tiền đầu tư từ Taiwan Mobile.
Sở dĩ nhà mạng lớn thứ 2 Đài Loan - Taiwan Mobile bỏ tiền vào Tiki là bởi họ muốn mở đường cho Momo.com – sàn TMĐT của Taiwan Mobile, dễ dàng thâm nhập vào thị trường TMĐT đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, bằng cách tận dụng sức mạnh hạ tầng của công ty địa phương Tiki. Momo.com đang đóng góp hơn 50% doanh thu của Taiwan Mobile và ‘ông lớn’ xứ Đài vốn rất thận trọng trong việc mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Một nguồn tin cho biết, Taiwan Mobile sẽ nắm giữ khoảng 2,7% cổ phần tại Tiki. Như vậy, sàn thương mại điện tử Việt Nam được định giá khoảng 740 triệu USD.
Cũng trong năm 2021, Tiki cũng công bố số tiền mình huy động được thông qua trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi với lãi suất cố định 13%/năm - một trong những mức lãi suất cao nhất trên thị trường nội địa; có 10.000 trái phiếu được phát hành, mang về cho Tiki khoảng 43,5 triệu USD.
Với những chuyển động gần đây, không khó để hiểu tại sao Tiki lại ‘tham lam’ và vội vàng như thế ở vòng gọi vốn Series E. Bởi có thể đây là vòng gọi vốn cuối cùng trước khi họ chính thức lên sàn và họ muốn show ra những con số ấn tượng nhất có thể với các cổ đông trong tương lai.
Cũng theo DealStreetAsia, Tiki đang xúc tiến việc niêm yết tại nước ngoài. Hiện tại, Tiki Global và CTCP Ti Ki đã trình hồ sơ thông báo tập trung kinh tế lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, trong đó Tiki Global dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,54% cổ phần của Tiki, sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ tăng vốn từ 230 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng.
Theo chuyên gia trong ngành, thì việc thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore được xem là bước đi mở đường cho hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tiki tại nước ngoài, để tiếp cận thêm nguồn vốn. Có thể, Tiki đang có dự định sẽ thực hiện gọi vốn thông qua một công ty thâu tóm sáp nhập chuyên dụng (SPAC) tại Singapore.
Nguyên do là bởi Tiki không đủ điều kiện để IPO trong nước và kể cả nếu được IPO trong nước, thì số tiền mà họ thu lại từ việc lên sàn không thể hấp dẫn như ở thị trường nước ngoài.
Trong vài năm gần đây, dù liên tục tăng trưởng và nhận được nhiều khoản đầu tư, nhưng TiKi vẫn còn thua lỗ lớn trong công cuộc chạy đua với Lazada, Shopee hay Sendo. Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, sang năm 2018, con số thua lỗ lên đến 757 tỷ đồng – cao gấp gần 3 lần so với năm 2017.