Khu đô thị thông minh phía Đông TP.HCM được quy hoạch với diện tích vượt trội

thunguyen

24/11/2019 10:32

So với các khu đô thị thông minh hiện hữu trên thế giới, Khu đô thị thông minh phía Đông TP.HCM có diện tích vượt trội.

Bản đồ khu đô thị phía Đông thành phố Hồ Chí Minh với 21.000 héc-ta trên ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (Tài liệu từ Sở Quy hoạch TP.HCM)
Bản đồ khu đô thị phía Đông thành phố Hồ Chí Minh với 21.000 héc-ta trên ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (Tài liệu từ Sở Quy hoạch TP.HCM)

Với diện tích trên 21.000 héc-ta bao trùm ba quận nội thành (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) - khu đô thị thông minh phía Đông TP.HCM có diện tích vượt trội so với các khu đô thị thông minh trên thế giới.

Các thành phố khác trên thế giới khi quy hoạch khu đô thị thông minh thường xây dựng mới hoàn toàn, trong khi TP.HCM phải tiến hành xây dựng khu đô thị thông minh tương tác cao trên nền hạ tầng sẵn có, do đó buộc phải cải tiến và nâng cấp. Pangyo, Songdo - hai khu đô thị thông minh kiểu mẫu của Hàn Quốc đều có diện tích chưa đến 1.000 héc-ta, và được thiết kế, xây dựng từ đầu.

Khu đô thị thông minh phía Đông phải được quy hoạch sao cho có thể kết nối với các khu vực xung quanh đồng thời chia sẻ được lợi ích của khu đô thị thông minh với người dân trong khu vực. “Mình không thể thay quy hoạch, mà phải nâng cấp quy hoạch cũ, trên nền dân cư hiện hữu” - ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn)
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn)

Ví dụ trong bệnh viện, thành phố phải quy hoạch để không chỉ chăm sóc những “cư dân thông minh” có thu nhập cao, am hiểu công nghệ, mà còn phải chăm sóc tất cả cư dân trong khu vực rộng lớn đó.

Xây dựng từ đầu một thành phố thông minh, trang bị cơ sở hạ tầng dễ dàng hơn cải tạo một thành phố, hay một toà nhà làm cho nó thông minh hơn, ông Min Sung Kim - Giám đốc điều hành KT Group, tập đoàn đầu tiên trên thế giới thương mại hoá 5G nhận xét.

Bà Trang Vương - Giám đốc EnCity Việt Nam (Ảnh: Bảo Zoãn)
Bà Vương Phan Liên Trang - Phó giám đốc điều hành EnCity văn phòng Việt Nam (Ảnh: Bảo Zoãn)

Một số dự án hạ tầng lớn của Thành phố trong năm năm gần đây đã mang đến các tiềm năng hiện hữu cơ bản như: mở rộng Xa lộ Hà nội, tuyến metro số 1, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Khu đô thị Thủ Thiêm, khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Khu du lịch Suối Tiên. Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị như Trung tâm tài chính, Khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc; tuyến cao tốc Vành đai 3, sân bay Long Thành, các khu đô thị, công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương…Khu vực 3 quận phía Đông thành phố trở thành khu vực phát triển đô thị sôi động trong vài năm gần đây. Ngoài ra, khu Thảo Điền (quận 2) tuy chưa được quy hoạch chính thức nhưng rất hấp dẫn và nổi tiếng trong giới khởi nghiệp khi có rất nhiều công ty khởi nghiệp về tin học, kiến trúc, nghệ thuật.. tụ tập về đó.

Ngay cả tình hình ngập lụt ở vùng trũng khu phía Đông cũng được Sasaki và EnCity - hai đơn vị đạt giải nhất trong cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo TP.HCM - cho rằng có thể khắc phục và biến thành cơ hội.

“Chúng ta có thể tận dụng khai thác cảnh quan không gian mặt nước trong đời sống đô thị, phát triển du lịch và bảo vệ hệ sinh thái. Thay vì cho rằng việc ngập lụt là khó khăn và bế tắc, chúng ta cũng có thể coi đây là một phòng thí nghiệm sống (urban living lab) để ứng dụng xây dựng thông minh và thử nghiệm các giải pháp thích ứng để phát triển bền vững, hình thành nên một Trung tâm công nghệ sinh thái (ecotech hub)” - Bà Vương Phan Liên Trang - Phó giám đốc điều hành EnCity văn phòng Việt Nam cho biết.

Minh Thư

thunguyen