Đề xuất, dự thảo giảm 50% lệ phí trước bạ
Theo tin tức ô tô, dưới tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo tới Chính phủ, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội.
Tương tự, Bộ Công thương cũng nêu kiến nghị lên Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho xe ô tô nội địa tại Việt Nam. Vào tháng 3, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng trình văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô và lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe.
Trước đó, có nhiều thông tin lan truyền rằng Bộ Tài Chính cũng đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô nội địa khi trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ này đã lên tiếng bác bỏ thông tin này và cho biết không có bất cứ đề xuất nào về điều chỉnh tăng mức thu lệ phí trước bạ ô tô nội địa để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.
Các đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô không giúp giảm giá bán xe niêm yết nhưng giúp giảm chi phí để lăn bánh một mẫu ô tô mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mức thu lệ phí trước bạ từ 10-20% tùy tỉnh thành ở thời điểm hiện tại, nếu đề xuất được hiện thực hóa, người dùng Việt sẽ được lợi khi có thể cắt giảm được một phần chi phí đáng kể.
Vì sao bác bỏ đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô nội địa
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Đầu tiên, thị trường ô tô Việt Nam đang tiêu thụ cả ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước lẫn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Nếu thông qua đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ô tô lắp ráp trong nước, các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ gặp bất lợi vì khách hàng mua xe không được hưởng quyền lợi.
Thứ hai, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định GATT của WTO. Cụ thể:
Điều III của Hiệp định GATT quy định “Đối xử quốc gia” (National Treatment - NT) là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của WTO, quy định nước thành viên có nghĩa vụ phải đối xử với hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư nước ngoài không kém thuận lợi hơn so với đối xử với hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư trong nước (về thủ tục, điều kiện, quy định…).
Liên quan đến thuế nội địa, các thành viên WTO phải đảm bảo không đánh thuế nội địa đối với hàng nhập khẩu cao hơn mức áp dụng với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước; Đồng thời, không phân biệt đối xử việc trong áp dụng thuế nội địa giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa nhằm mục đích bảo hộ những hàng hóa nội địa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp hoặc có khả năng thay thế lẫn nhau với hàng nhập khẩu.
Vì vậy, trong trường hợp này, nếu đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô nội địa được thông qua, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro về kiện tụng do vi phạm cam kết quốc tế khi gia nhập WTO.
Ảnh: Ngô Minh
Nhung Nhung