Không chỉ VPBank, nhiều ngân hàng khác cũng ‘’rục rịch’’ bán vốn tại công ty con

Lê Quang Hưng

08/05/2021 11:04

Ngoài thương vụ tỷ USD của VPBank tại FE Credit, nhiều ngân hàng cũng đang gấp rút triển khai việc bán vốn tại công ty con. Điển hình như SHB thoái vốn tại SHB FC và hai ngân hàng con tại Lào, Campuchia hay MSB tìm kiếm đối tác chuyển nhượng vốn ở FCCOM.

VPBank mới đây khiến cả thị trường tài chính xôn xao khi chuyển nhượng 49% cổ phần tại FE Credit cho đối tác Nhật Sumitomo Mitsuitheo mức định giá lên tới 2,8 tỷ USD. Với giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ USD, đây là thương vụ bán vốn đầu tiên trong lĩnh vực tài chính Việt Nam vươn tới tầm tỷ USD.

Trong bối cảnh nguồn vốn giá rẻ “tràn ngập’’ trên toàn cầu, thương vụ trên được kì vọng sẽ tạo ra hiệu ứng, kích hoạt hàng loạt ‘’deal’’ tương tự trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam.

 

Hàng loạt thương vụ đang trong quá trình đàm phán

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, SHB đã thông đông thông qua việc thoái vốn một phần công ty tài chính SHB Finance (SHB FC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và giao cho HĐQT quyết định tỷ lệ bán và chủ động tìm kiếm, đàm phán, thực hiện thủ tục thoái vốn.

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho biết: Ngân hàng đang trong quá trình chọn lựa và đàm phán với đối tác. SHB FC đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm và nhiều khả năng sẽ thành công thoái vốn trong năm 2020.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, chưa có thêm thông tin về thương vụ này nhưng theo Phó Chủ tịch Võ Đức Tiến, SHB đã lựa chọn được một số đối tác lớn và đang đàm phán để thoái vốn tại SHB FC, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Ngoài thoái vốn tại SHB FC, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, SHB cũng đã thông qua việc chuyển nhượng một phần vốn sở hữu tại 2 ngân hàng con SHB Lào và SHB Campuchia, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động 2 ngân hàng con này theo loại hình doanh nghiệp mới.

Cụ thể, lãnh đạo SHB cho biết đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng một phần vốn của ngân hàng tại SHB Lào và SHB Campuchia theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển nhượng chưa được ban lãnh đạo tiết lộ.

Tại MSB, sau khi đàm phán thất bại với Hyundai Motor (Hàn Quốc) trong việc bán 50% cổ phần Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá 42 triệu USD, ngân hàng này cũng đang gấp rút đàm phán với đối tác khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, hiện gần như kết thúc quá trình đàm phán để định giá. Dự kiến việc thoái tại FCCOM sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn cho MSB.

Bên cạnh đó, lãnh đạo MSB cũng cho biết vào cuối năm ngoái, HĐQT ngân hàng đã có quyết định thoái toàn bộ vốn tại MSB AMC trong năm 2021 để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cốt lõi. Với việc chuyển nhượng này, MSB dự kiến ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận.

Tương tự, HDBank cũng lên kế hoạch thoái phần lớn vốn tại HDBank AMC. Cụ thể, sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của HDBank AMC từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, HDBank sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 100% xuống chỉ còn 2%, lượng vốn góp tuyệt đối giảm từ 150 tỷ xuống 20 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng toan tính gì?

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, quyết định hợp tác với SMBC nhằm tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ đối tác chiến lược nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VPBank kỳ vọng số tiền thu về từ thương này sẽ giúp ngân hàng mẹ bổ sung cho nguồn vốn hoạt động, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn huy động từ khách hàng, qua đó giảm chi phí vốn bình quân; đồng thời mở ra các cơ hội kinh doanh mới. 

Nói về kế hoạch thoái vốn tại SHB FC và hai ngân hàng con tại Lào và Campuchia, lãnh đạo SHB cho hay, việc chuyển nhượng một phần vốn sẽ mang lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư vốn đáng kể.  Đồng thời, sự tham gia của các nhà đầu tư vào SHB FC và 2 ngân hàng sẽ mang lại hiểu quả cao cho cả ngân hàng mẹ SHB và chính các đơn vị này cũng như các lợi ích của cổ đông.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng xu hướng bán vốn tại các công ty con là giải pháp cần thiết cho các ngân hàng trong bối cảnh thị trường tài chính – ngân hàng ngày càng cạnh tranh gay gắt. Trên thực tế, dù triển vọng thị trường còn rất lớn, nhưng năm 2020, lợi nhuận của một loạt công ty tài chính như FE Credit, SHB FC, FCCOM,… đều sụt giảm và nợ xấu tăng mạnh.

Trong khi đó, việc HDBank và MSB muốn buông dần các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc (AMC) cũng đã nằm trong định hướng tập trung cho hoạt động kinh doanh chính của 2 nhà băng này cũng như xu hướng chung của toàn ngành.

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về thị trường mua bán nợ cho biết, hầu hết AMC của các ngân hàng được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Do đó, các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có khoảng 30 AMC đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4 AMC thực sự vận hành gồm AMC của ACB, Techcombank, VPBank và MB. Ngoài ra, do nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn nên hoạt động của các AMC chưa thực sự hiệu quả.

Lê Quang Hưng