Weber không thực sự lập luận rằng iPhone là tác phẩm nghệ thuật, mà ông viết rằng “Trường phái Bauhaus là một vùng đất thuộc về các thiên tài nghệ thuật”. Ông viết thêm “Một vài cá nhân có trí tưởng tượng và khả năng thơ ca khó ai sánh bằng đã thành công ở trường phái này. Không điểm nào ở thiết kế iPhone có thể sánh bằng thành tựu của họ”. Dù vậy, cũng không phải quá khi cho rằng iPhone được thiết kế để “làm tốt lên sự tồn tại hàng ngày”, như Weber lập luận, và đã thành công bằng sự lôi cuốn nhờ “vẻ duyên dáng đẹp mắt” của chiếc điện thoại.
Chức năng của tất cả lời phê bình là thuyết phục, kết quả là hoặc bạn bị cuốn hút bởi lối viết mạnh mẽ của Weber hoặc khó chịu với kiểu viết lan man của ông. Chẳng hạn, ông viết mãi về năm thành lập của hệ thống trường Bauhaus. Josef Albers đã dạy một khóa học, rồi lại thuyết phục mọi người để đưa khóa học đó vào Cao đẳng Black Mountain và Trường Thiết kế Yale. Tóm lại, sinh viên sẽ mất thời gian bắt đầu lại từ đầu. Họ lấy ra vài tờ giấy và xếp chúng lại theo nhiều cách phức tạp, cố gắng để làm chủ các khả năng tạo hình. Sẽ ra sao nếu bạn biết rằng giáo dục thiết kế ở nước Anh cũng dựa vào kiểu luyện tập này, và những huấn luyện như vậy đã hình thành nền tảng giáo dục của người chịu trách nhiệm cho thiết kế của chiếc iPhone, ông Jony Ive?
Sách của Weber có đầy các chi tiết như vậy; ông thường vô tình giống với một người theo thuyết âm mưu. Năm 1921, Herbert Bayer là một học sinh ở trường Bauhaus. Ông cuối cùng định cư ở Mỹ, nơi ông thiết kế trụ sở cho Viện Aspen. Năm 1983, Steve Jobs nói chuyện tại Viện Aspen, đã phác thảo tầm nhìn về một chiếc máy vi tính có tất cả các công cụ. “Giống như Gropius (người sáng lập trường Bauhaus), ông (Steve Jobs) không hứng thú với các sản phẩm dành cho số ít quý tộc, mà với các sản phẩm có thể có ích cho số đông người trên thế giới.” Weber cho biết.
Weber cũng truy tìm dấu vết của trường phái Bauhaus trong niềm tin về tổ chức của Apple, bao gồm việc công ty này phản đối cạnh tranh nội bộ, tán thành các bữa ăn chung và nhấn mạnh các mục tiêu chung. Ông thạm chí còn ghi lại sự tương đồng giữa cái tên của hai thể chế:
“Bauhaus” cũng khá mơ hồ. “iPhone” cũng vậy: ngắn gọn, chưa từng có trước đó, sành điệu và gây tò mò… Chữ viết thường “i” trước chữ viết hoa “P” rất đáng ngạc nhiên. Ý nghĩa của chữ “i” rất riêng. Cả hai cái tên đều khiến ta tò mò; đồng thời vui tai nhờ hiệu ứng mạnh và vần điệu.
Sau đây là lập luận của Weber: một điều chỉ mang tính thuyết phục nếu người nghe đang trong tâm trạng muốn để bị thuyết phục, nếu không mọi lý lẽ nghe rất vớ vẩn. Từ câu chuyện khát khao của ông Jony Ive là vẻ ngoài của iPhone phải “màu nhiệm”, Weber nhận xét rằng đây là từ đầu tiên ông Albers đã sử dụng để mô tả sự tương tác giữa màu sắc và đường nét để làm “hiện lên” hình khối tuyệt diệu (tư duy được ghi lại trong các nghiên cứu tinh tế của ông về các bức tranh vuông). Đây có phải làm quá lên không? Rồi cả khi Weber nhận xét rằng cả hai vợ chồng Albers đều đổi tên, đổi chữ ph trong Joseph thành chữ f, cắt bỏ phần sau cái tên Annelise thành chỉ còn Anni – sau đó lập luận rằng họ “Jobs” của Steve Jobs nghe có vẻ như được bịa ra, mặc dù không có bằng chứng nào về việc đó.
Tôi thấy sự điên rồ của tác giả khá duyên dáng và trước đây cũng bị hấp dẫn bởi những học thuyết táo bạo nhất của ông.
Màu trắng, màu nền của các màn hình máy vi tính, trong đó có iPhone, có tác dụng giống như màu trắng của một tờ giấy mới, hoặc của các “giá đỡ”, thuật ngữ chính xác trong lịch sử nghệ thuật, của những bức tranh mà Klee, Kandinsky và Schlemmer, đã vẽ nên ở Bauhaus. Dù các họa sỹ đang làm việc trên giấy hay trên vải, màu trắng cũng cần thiết, không chỉ vì đó là bề mặt tiếp nhận và là màu nền hữu dụng làm nổi các màu sắc khác, mà còn vì màu trắng là sự khởi đầu. Và quan trọng nhất, màu trắng thuộc về thế giới tưởng tượng.
Mô tả này khác biệt hoàn toàn với cách Weber cảm nhận về chiếc hộp của iPhone.
Tất cả những mẩu giấy cứng trắng tinh bóng bẩy này đem lại ấn tượng không tì vết và có thể tháo ra lắp lại dễ dàng, nhưng khi bạn mở hộp ra, bạn cảm thấy tiếc nuối vì không thể nào lấy thiết bị ra mà không làm hư hỏng các yếu tố hoàn hảo này.
Đúng vậy… ai cũng có cảm giác này. Khi Weber chỉ ra rằng Steve Jobs lớn lên ở một trong những ngôi nhà theo phong cách nhà đúc của Joseph Eichler, tôi hiểu được ý của ông. Đây là cách Jobs giải thích về ngôi nhà của mình cho người viết tiểu sử của ông, ông Walter Issacson: “Eichler đã tạo nên một điều tuyệt vời. Các ngôi nhà của ông thông minh, rẻ và tốt. Thiết kế sạch sẽ và tối giản được mang đến cho những người thu nhập thấp.” Tôi ước gì Weber không đi quá xa khi so sánh dự án của Eichler với dự án của một nhà phát triển địa ốc giữa thế kỷ XX khác, người mà giờ đây con trai ông đang làm việc tại Phòng Bầu dục. Nhưng điều này là những gì chúng ta yêu cầu từ một nhà phê bình, rằng họ phải quan sát thật sâu sắc và chú tâm. Giống như hầu hết mọi người, tôi từng ngắm chiếc iPhone của mình vô số lần, nhưng đọc xong cuốn sách của Weber, tôi cảm thấy như mình giờ mới thực sự nhìn kỹ chiếc điện thoại này.
Theo The New Republic