Huyện Ba Vì (Hà Nội): Phấn đấu đạt 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2024

Xuân Mai

19/01/2024 08:58

Chiều 18/01, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã cơ bản được hoàn thành (24/25 chỉ tiêu). Trong đó, tổng giá trị sản xuất năm 2023 (theo giá hiện hành) đạt 33.661 tỷ đồng, bằng 100,9% kế hoạch, tăng 6,79% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,5 triệu đồng/người/năm (tăng 21,4% so với năm 2022).

ong-nguyen-duc-anh-pld-1705665505.jpg
Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội).

Huyện Ba Vì được công nhận là Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP tiếp tục được chú trọng, toàn huyện hiện có 28 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. 

Về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị, huyện đã hoàn thành công tác cung cấp số liệu, tài liệu phục vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Vì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 11/01/2023.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 sau điều chỉnh là 2.501,023 tỷ đồng, số vốn giải ngân năm 2023 là 2.432,699 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 96,4%). Năm 2023, UBND huyện Ba Vì phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án xây dựng, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 39,5ha/124,2 tỷ đồng/1.245 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; đã thực hiện chi trả và bàn giao mặt bằng trên tổng diện tích 34,8ha/104,4 tỷ đồng/1.139 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, huyện Ba Vì tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả trong công tác y tế, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, toàn huyện đã thực hiện giảm 172 hộ nghèo, 470 hộ cận nghèo. Kinh tế có những bước phát triển bền vững, văn hóa – xã hội được quan tâm bồi đắp. Công tác quốc phòng – an ninh được giữ vững. Phong trào chung tay đóng góp xây dựng Chương trình nông thôn mới, “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm. Ngõ, sáng xanh sạch đẹp an toàn tiếp tục được triển khai thực hiện, nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo linh hoạt, lan toả sâu rộng.

gap-mat-bao-chi-huyen-ba-vi-pld-1705665505.jpg
Hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí tại trụ sở UBND huyện Ba Vì (Hà Nội).

Trao đổi thông tin về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Anh cho biết, toàn huyện có 25 chỉ tiêu, trong đó có 24 chỉ tiêu giao cao hơn năm 2023. UBND huyện Ba Vì định hướng phát triển với 5 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: 

(1). Đẩy mạnh phát triển kinh tế đảm bảo tốc độ tăng tưởng ổn định và bền vững. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành): 35.332 tỷ đồng, tăng 5,0% so năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 73 triệu đồng/người/năm (tăng 8,1% so với năm 2023).

(2). Tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quan tâm cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường. Hoàn thành và công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Vì; Quy hoạch phân khu làng sinh thái chè Việt Mông. Tập trung triển khai các dự án cung cấp nước sạch, phấn đấu tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 98%.

(3). Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và đào tạo, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

(4). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

(5). Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 14 trụ sở công an xã. Hoàn thành các chỉ tiêu về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024. Triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành 03 dự án trụ sở được phân vốn năm 2023; 07 dự án năm 2024 và chuẩn bị đầu tư cho 07 dự án trụ sở Ban chỉ huy quân sự xã năm 2025.

Nhân dịp gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Anh đã thông báo về Kế hoạch tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Giáp Thìn và khai trương Du lịch huyện Ba Vì năm 2024. Theo kế hoạch, Lễ hội năm nay dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). 

le-hoi-tan-vien-son-thanh-pld-1705665504.jpeg
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hàng năm là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân Ba Vì.

Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ người dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương. Cụ thể, ở phần lễ, ngày 13 tháng Giêng sẽ tổ chức rước nước từ sông Đà về đền Hạ, dâng hương tại các di tích: đền Thượng, đền Bác Hồ, đỉnh Mẫu (xã Ba Vì), đền Trung, chùa Tản Viên (xã Minh Quang) và tế thỉnh Đức Thánh tại đền Hạ. Trong khi đó, chính lễ là 14 tháng Giêng tổ chức dâng lễ (không tổ chức rước kiệu lễ). Ở phần hội sẽ tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống từ 13 giờ đến 22 giờ các ngày 22 và 23/2/2024 (tức ngày 13, 14 tháng Giêng).

Đặc biệt, năm nay, UBND huyện Ba Vì quyết định tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn cùng với khai trương Du lịch huyện Ba Vì năm 2024 ngay từ  đầu năm mới, nhằm góp phần giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện về sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá - tâm linh, du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.

Xuân Mai