Hùng Nhơn Group, tay chơi mới của mảng “chăn nuôi” liệu có thật sự mạnh…?

Gia Bình

23/06/2022 17:33

Thời gian qua, thị trường nông nghiệp công nghệ cao đã và đang là lĩnh vực kinh doanh thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính. Không ít doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế như: Dabaco, Greenfeed Việt Nam, BaF Việt Nam, Nova Consumer, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai. Một cái tên mới nổi trong thời gian gần đây phải kể đến Hùng Nhơn Group.

Cú bắt tay nghìn tỷ với doanh nghiệp Hà Lan

Cuối năm 2021, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (doanh nghiệp đến từ Hà Lan) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Kon Tum về đầu tư Tổ hợp Khu Nong nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đây được xem là một siêu dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi, với tổng quy mô sử dụng đất khoảng trên 200 ha, bao gồm một số khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Châu Âu và khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó, hai Tập đoàn cũng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và trung tâm nghiên cứu con giống, đào tạo lao động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 65 triệu USD (tương đương với 1.450 tỷ đồng).

1-1655941996.jpeg
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn

Trong đó, Dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kỹ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.

Sau khi hoàn thành, cùng với các tổ hợp dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk, Gia Lai, dự án trang trại heo giống cao sản Kon Tum sẽ trở thành nguồn cung cấp nhanh chóng, tin cậy giống heo chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải miền Trung.

Đồng thời, dự án tạo cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại Kon Tum, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương...

Hùng Nhơn mạnh cỡ nào?

Ngày 14/5/2022, trong khuôn khổ lễ khởi công dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, đại diện Hùng Nhơn Group và De Heus đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về chương trình hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp.

Trước đó, trong các ngày 9/5 – 11/5, đoàn công tác của Hùng Nhơn Group và De Heus đã làm việc với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Kon Tum nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trong các sự kiện này, ông Vũ Mạnh Hùng – nhà sáng lập Hùng Nhơn Group – thường được giới thiệu với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam (Hùng Nhơn Việt Nam).

Theo tìm hiểu, Hùng Nhơn Việt Nam mới được thành lập từ tháng 7/2020, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi gia cầm.

Doanh nghiệp này ban đầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 30 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Mạnh Hùng và phu nhân Lê Thị Phương Nhơn nắm chi phối, với tỉ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Hùng Nhơn Việt Nam – tương ứng với 20% vốn điều lệ - do bà Vũ Lê Đan Thuỳ đứng tên.

Nhưng thông tin từ Hùng Nhơn Group cho biết, tập đoàn này khởi đầu từ một trang trại gà quy mô nhỏ, chăn nuôi theo hộ gia đình từ những năm 2000. Sau đó, gây dựng thành doanh nghiệp với sự ra đời của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn.

Đến năm 2008, CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn (Hùng Nhơn) được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp kinh doanh của ông Vũ Mạnh Hùng. Để rồi, khi bén duyên với De Heus, vị doanh nhân sinh năm 1974 còn được biết đến với biệt danh ‘ông trùm’ gà lạnh.

vu-manh-hung-hung-nhon-viet-nam-2-2186-1655942084.png
Kết quả kinh doanh của Hùng Nhơn trong vài năm trở lại không thật sự tốt.

Theo thông tin có được, Hùng Nhơn được sáng lập bởi 7 thể nhân, với quy mô vốn ban đầu 11 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Mạnh Hùng góp 1,75 tỉ đồng, tương ứng với 15,91% vốn điều lệ.

Cập nhật tới tháng 7/2019, Hùng Nhơn đã tăng vốn điều lệ lên mức 60 tỉ đồng, do ông Vũ Mạnh Hùng nắm chi phối, với tỉ lệ sở hữu lên tới 93,75%.

Là doanh nghiệp hoạt động lâu năm bậc nhất trong ‘hệ sinh thái’ của ông Vũ Mạnh Hùng, song, việc thua lỗ triền miên trong giai đoạn 2016 – 2020 đã khiến Hùng Nhơn rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Một số dữ liệu thể hiện, Hùng Nhơn đã không phát sinh doanh thu trong các năm 2019 và 2020. Trong giai đoạn này, Hùng Nhơn cũng báo lỗ nhẹ. Trước đó, dù có phát sinh doanh thu vào các năm 2017 và 2018, song Hùng Nhơn đều báo lỗ, lần lượt ở mức 0,8 tỉ đồng và 0,082 tỉ đồng.

Mạch thua lỗ của Hùng Nhơn có thể đã kéo dài từ nhiều năm trước. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của công ty này đã âm tới 1,3 tỉ đồng.

Cần chú ý, các con số vừa nêu chỉ là số liệu tài chính riêng lẻ của Hùng Nhơn – một thành viên trong hệ sinh tháiHùng Nhơn Group. Kết quả hoạt động kinh doanh của những thành viên khác của tập đoàn này sẽ được tiếp tục thông tin sau.

Được biết, Hùng Nhơn Group hiện đang sở hữu 15 công ty thành viên, với hệ thống trang trại gà thịt cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Bên cạnh đó, còn có hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm; hệ thống các trang trại nuôi heo giống cụ, kỵ…và heo thương phẩm với sản lượng 14.000 con heo giống, 375.000 con heo thương phẩm/năm.

Gia Bình