Theo HoREA, tại Nghị quyết 97 của Chính phủ về “Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương” đã giao nhiệm vụ cho “NHNN chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương:
1. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
2. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
3. Tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội”.
Có thể nhận định, chủ trương “chuyển chính sách tiền tệ từ chặt chẽ trước tháng 10/2022 sang chính sách tiền tệ chắc chắn từ tháng 10/2022 và bây giờ là tiếp tục chuyển sang chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn trong điều kiện hiện nay là cần thiết và cũng là cơ hội” là quyết sách giữ vai trò quyết định trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo Hiệp hội, một số quy định của các Thông tư này chưa thật sát với tình hình thực tế. Nên Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2023, 03/2022 và 08/2020.
Đáng chú ý, HoREA mong muốn NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung đối với Thông tư 06 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023. Trong đó, HoREA quan ngại các quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023 (sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) đã bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng “có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng”, trong đó có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa thật sát thực tế, chưa thật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023 dựng thêm “rào chắn” làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, trong đó các khoản 8, 9 và 10 sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng.
Phía HoREA cho rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng là “phao cứu sinh” để vượt qua khó khăn hiện nay, bởi lẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, trong lúc doanh nghiệp bất động sản cũng chưa thể huy động được nguồn vốn từ khách hàng do dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thể triển khai, thực hiện.
Hiệp hội nhận thấy, Thông tư 06/2023 của NHNN được ban hành trước Nghị quyết 97 nên cần được xem xét sửa đổi để NHNN “thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.