Trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn còn đang tồn đọng những cách quản lý “Micro” của nhà điều hành. Phương pháp quản lý này không phù hợp với số đông, tuy vậy nếu như thích ứng được thì ưu điểm lớn nhất chính là trình độ làm việc nâng cao và rèn luyện tư duy của nhân viên. Kiểu quản lý này sẽ phù hợp với những công việc đòi hỏi tính kỹ thuật, tính chính xác cao.
Ngược lại, nếu bạn cần sự sáng tạo, tư duy và sự đóng góp từ đội ngũ của mình thì quản lý “Macro” sẽ là lựa chọn đúng đắn. Vậy phải làm sao để áp dụng cho phù hợp?
1. Doanh nghiệp cần phải mô tả và chuẩn hóa được các nhiệm vụ hay công việc của các bộ phận. Khi nhà lãnh đạo trao đủ thông tin và những lưu ý cần thiết để đi đến mục tiêu cuối cùng, thì nhân viên sẽ có cơ sở căn bản để thực thi và tránh mắc phải những sai lầm không đáng có. Đồng thời, nhà quản lý cũng sẽ có những đánh giá sơ bộ về điểm mạnh, những kỹ năng đặc biệt hay điểm yếu của nhân viên để hỗ trợ và giúp họ phát triển.
2. Nhà quản lý cần chú trọng vào quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Bởi quản lý vĩ mô sẽ khả thi khi đi cùng nhà quản lý là một đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, tài năng và có tinh thần tự giác cao. Vậy nên, ngay từ quá trình tuyển dụng nhà quản lý phải bắt đầu quá trình lựa chọn đúng người có đủ yếu tố cần thiết. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc cũng cần đảm bảo rằng đội ngũ nhân viên của mình đã được đào tạo để làm việc độc lập và có sự trung thành trước khi tin tưởng ủy thác công việc cho họ.
3. Các chính sách cho nhân sự phải thật sự ổn định và bài bản thì đội ngũ bên dưới sẽ tập trung và yên tâm vào công việc. Tôi cho rằng sự minh bạch trong chính sách và chế độ cho từng người trong đội ngũ là việc cần làm, để có thể tạo được sự tin tưởng và gắn kết giữa các đội ngũ. Không phần mềm quản trị nào đủ tốt khi người vận hành không làm tốt.
4. “Liệu cơm gắp mắm” với các mô hình hoặc dự án đầu tư nào chúng ta cũng phải chuẩn bị thật kỹ và thử nghiệm. Nếu vận hành không hiệu quả, rất lâu không tìm được điểm cân bằng thì chúng ta phải dừng mô hình đó lại. Mặt khác, khi thử nghiệm và vận hành đã hiệu quả, sắp đạt đến điểm cân bằng thì chúng ta mới bắt đầu tăng quy mô hay tăng vốn đầu tư.
5. Linh hoạt trong vận hành. Thay vì hàng tháng, hàng quý hay thậm chí hàng năm các nhà lãnh đạo mới đánh giá lại kết quả thực thi thì chúng ta sẽ đánh giá hiệu quả công việc, dòng tiền thu chi hàng tháng, thậm chí là hàng tuần để các nhà quản lý biết được tháng sau hay tuần sau chúng ta cần phải cải thiện điều gì trước khi quá muộn.
Nếu đối với ngành bán lẻ thì những người đứng đầu bộ phận nên là những người phải xem lại báo cáo hàng ngày để có sự điều chỉnh ngay cho ngày hôm sau. Ở vị trí cao hơn nhà lãnh đạo sẽ đánh giá hoặc biết được sau khi đội ngũ bên dưới điều chỉnh đã mang lại kết quả gì, đúng hay sai để có thể điều chỉnh ngay lập tức.