HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Thanh Xuân

23/08/2022 14:36

Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua chủ trương tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần được kiểm soát đặc biệt với tỉ lệ tán thành 81,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 

hdbank-lot-top-1661239898.jpg

Với kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu thành công các tổ chức tín dụng cùng tinh thần chủ động tiên phong, HDBank được lựa chọn tham gia nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, góp phần vào sự phát triển lành mạnh, ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Theo tờ trình, việc tham gia chương trình tái cơ cấu một tổ chức tín dụng nhằm “thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; bên cạnh đó, tạo cơ hội mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho HDBank và cổ đông của HDBank”. 

Trao đổi với nhà đầu tư tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết không nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia chương trình này. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc thành công các định chế tài chính, cùng sự đánh giá cao phương án tái cơ cấu HDBank đã chuẩn bị cho trọng trách này. 

Trong ngành ngân hàng, HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công 2 dự án M&A, bao gồm sáp nhập một ngân hàng TMCP và mua lại một công ty tài chính. Năm 2013 HDBank đã sáp nhập Đại Á Bank và hoàn tất quá trình kết nối, hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian kỷ lục chỉ 4 tháng, đồng thời đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt cho mọi khách hàng, mang lại đời sống và môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.

Cũng trong năm 2013, HDBank trở thành định chế tài chính trong nước đầu tiên mua lại một định chế tài chính có 100% vốn nước ngoài là Công ty Tài chính Societe Viet Finance - SGVF (công ty con của tập đoàn ngân hàng Societe Generale, CH. Pháp), tiền thân của Công ty Tài chính TNHH HD SAISON ngày nay. 

Những dự án thành công này đã mở ra thập kỷ tăng trưởng cao, bền vững của HDBank, mang lại giá trị lớn cho khách hàng, cổ đông, các đối tác và người lao động. Đồng thời, việc sáp nhập Đại Á Bank góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng khi sau đó có thêm khá nhiều thương vụ M&A diễn ra, giúp thị trường tài chính ngân hàng bớt đi những nhà băng có quy mô vốn nhỏ, bị hạn chế về nhiều mặt, để dần trở lên lành mạnh, ổn định và hiệu quả hơn. 

Với việc tham gia chương trình tái cơ cấu TCTD theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt, HDBank một lần nữa cho thấy sự tiên phong, chủ động và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ được Chính phủ và NHNN giao phó cho một số TCTD đủ năng lực. 

HDBank và NHTM được chuyển giao bắt buộc được nhận các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể, sau khi HDBank nhận chuyển giao bắt buộc, NHTM được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên. NHTM được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của NHTM được chuyển giao bắt buộc. 

Theo quy định pháp luật về chuyển giao bắt buộc, HDBank sẽ được loại trừ NHTM được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Khoản góp vốn vào NHTM được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank. HDBank tham gia hỗ trợ NHTM được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác. 

 Chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của NHTM được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.

 HĐQT HDBank tin tưởng việc thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc NHTM vừa thực hiện nhiệm vụ đối với ngành ngân hàng với năng lực, kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng của HDBank, vừa giúp HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn. Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng tốp đầu trong 5 năm tới. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của SSI trong báo cáo mới đây, kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc này có ý nghĩa tích cực về dài hạn đối với HDBank. 

Trong khi đó giới đầu tư quốc tế đã đón nhận thông tin này với sự hứng khởi cùng quyết định gia tăng đầu tư và đồng hành với HDBank. 

Được biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có quyết định chấp thuận tăng vốn điều lệ của ngân hàng HDBank thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của ngân hàng lên 25.503 tỷ đồng.

Cụ thể, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Nguồn vốn để phát hhành từ lợi nhuận chưa phân phối đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.

Khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.

Đại hội đồng cổ đông 2022 cũng thông qua phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ ngày phát hành.

Phía ngân hàng cho biết tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP, tuy nhiên trong năm 2021, ngân hàng mới chỉ hoàn tất phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình này.

Kết thúc 6 tháng đầu 2022, nối tiếp những kết quả trong năm 2021, HDBank tiếp tục giữ vững tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng, với lợi nhuận trước tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm, tỉ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp nhất toàn ngành. 

Đầu tháng 8/2022, HDBank đã được vinh danh trong nhóm đầu các ngân hàng TMCP Việt Nam; nhóm dẫn đầu công ty niêm yết uy tín và hiệu quả. 

HDBank cũng là ngân hàng duy nhất của Việt Nam liên tiếp 5 năm dẫn đầu bình chọn “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” do Tạp chí HR Asia trao tặng. 

 Năm 2021, Global Brand Award đã trao giải ngân hàng xuất sắc nhất (Best Bank) và ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc nhất (Best Digital Transformation Bank) Việt Nam cho HDBank. HDBank cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp tích cực trong phòng chống COVID-19.

Thanh Xuân