Hãng bay hết tiền

minhtam

13/06/2020 13:43

COVID-19 như một cơn bão. Dù tan phần nào nhưng vùng thời tiết xấu nó tạo ra vẫn khiến các hãng hàng không gặp nguy hiểm. Trong khi, họ bắt buộc phải bay qua, không có lựa chọn nào khác.

Tới tháng Tám, Vietnam Airlines có thể sẽ hết tiền, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết trong một cuộc gặp mặt chiều 12.6. "Từ hết tiền tới chết còn một khoảng thời gian nữa nhưng chúng tôi sẽ rơi vào trạng thái rất xấu", ông Hiền nói.

Thời kì cao điểm dịch bệnh, doanh thu hãng hàng không giảm tới 95% và không có một kịch bản nào lường trước được điều này. Đội bay chỉ hoạt động chưa tới 5% công suất trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cố định 2.100 tỉ đồng mỗi tháng, riêng tiền thuê máy bay là 1.300 tỉ đồng. Dòng tiền giảm là một vấn đề nan giải khác. Chỉ trong giai đoạn giữa tháng Hai đến cuối tháng Ba, Vietnam Airlines phải trả khoảng 4.400 tỉ đồng hoàn vé vì các chuyến bay bị huỷ.

Vietnam Airlines cho biết còn "trụ" được tới thời điểm hiện tại là nhờ bước vào giai đoạn dịch bệnh với tình hình tài chính tốt chưa từng có, giúp doanh nghiệp có vốn vượt qua được thời điểm dịch căng thẳng nhất. Cùng với việc tự cắt giảm tối đa chi phí, doanh nghiệp phải đàm phán với các đối tác để giữ dòng tiền ổn định, xin giãn tiến độ thanh toán ngay từ thời điểm mới xuất hiện dịch. Một đối tác của Vietnam Airlines miễn 1.000 tỉ đồng tiền thuê máy bay ở giai đoạn này khi đánh giá dịch chỉ xảy ra ở Trung Quốc và một số nước lân cận. Nếu không, theo ông Hiền, Vietnam Airlines đã mất thanh khoản ngay trong tháng Sáu.

Hành khách "bốc hơi" khi bầu trời các nước đóng cửa và cả các chuyến bay nội địa cũng ngừng lại để ngăn chặn sự lây lan của virus là nguyên nhân chính dẫn tới tổn thất của ngành hàng không. Vào thời điểm "trũng" nhất trong tháng Tư, du lịch hàng không toàn cầu giảm 95% so với năm 2019. Dù hiện nay có dấu hiệu cho thấy giao thông đang dần cải thiện tuy nhiên, theo ước tính của IATA, mức doanh thu cho từng kilomet năm 2020 dự kiến ​​sẽ giảm 54,7% so với năm 2019. Số lượng hành khách sẽ giảm khoảng một nửa xuống còn 2,25 tỉ người, xấp xỉ bằng năm 2006.

Là quốc gia thuộc nhóm trở lại bình thường sau COVID-19 sớm nhất, vào cuối tháng Năm các đường bay nội địa của Việt Nam đã được khôi phục hoàn toàn. Nhưng ngay cả khi khách hàng bắt đầu bay trở lại, các hãng hàng không vẫn chưa thoát khó. Lượng khách của Vietnam Airlines vượt năm trước trong tháng Năm. Dù vậy, doanh thu vẫn giảm 50%. Các hãng hàng không đều cần tiền và cạnh tranh khốc liệt về giá khi các đường bay được mở lại. "Bức tranh hiệu quả kinh doanh từ nay đến cuối năm không có nhiều thay đổi dù sân bay đông đúc khách nội địa", Trưởng ban Tài chính kế toán bày tỏ.

Khách nước ngoài chiếm 65% doanh thu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn chờ đợi tình hình được cải thiện khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, dự kiến từ mùng 1.7 với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Về mặt tài chính, năm 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không. Mỗi ngày trung bình hàng không thế giới sẽ không sẽ lỗ 230 triệu USD. Tổng cộng, khoản lỗ toàn cầu sẽ là 84,3 tỉ USD năm 2020. Có nghĩa là, dựa trên ước tính 2,2 tỉ hành khách trong năm nay, các hãng hàng không sẽ lỗ 37,54 USD mỗi khách", ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) nhận định. Theo lãnh đạo IATA, đây là lý do tại sao việc cứu trợ tài chính của Chính phủ vẫn rất quan trọng bởi các hãng hàng không đang đốt tiền mặt.

Ngay cả khi các hãng hàng không thoát khỏi phá sản nhờ nhận được cứu trợ từ các Chính phủ, khoản nợ cũng sẽ đeo đuổi họ. Mức nợ toàn cầu tăng từ 120 tỉ USD lên đến 550 tỉ USD, chiếm khoảng 92% doanh thu dự kiến của ngành năm 2021. IATA cho rằng các biện pháp cứu trợ tiếp theo nên tập trung vào việc giúp các hãng hàng không tạo thêm vốn lưu động và kích thích nhu cầu bay thay vì mở rộng thêm nợ.

“Các hãng hàng không vẫn sẽ mong manh về tài chính vào năm 2021. Doanh thu từ chở khách có thể còn thấp hơn mức 2/3 của năm 2019. Và các hãng hàng không dự kiến ​​sẽ mất khoảng 5 USD mỗi khách so với trước đây. Tổn thất sẽ được cắt giảm khi biên giới các nước mở cửa và khách du lịch tăng lên", Tổng giám đốc IATA cho hay.

Mặc dù tổn thất sẽ giảm đáng kể vào năm 2021 nhưng sự phục hồi của ngành công nghiệp dự kiến ​​sẽ kéo dài và đầy thách thức. Các biện pháp đảm bảo an toàn trong giai đoạn tái khởi động ngành hàng không sẽ thay đổi đáng kể các thông số hoạt động. Ví dụ, giữ khoảng cách lớn hơn trong quá trình khởi hành, khử trùng và kiểm tra cabin sẽ làm tăng thời và giảm hiệu suất sử dụng máy bay nói chung.

Mức độ và thời gian của cuộc suy thoái do COVID-19 cũng sẽ tác động đáng kể đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sau thời gian dồn nén hạn chế đi lại, lượng khách du lịch có thể tăng cao ban đầu nhưng việc duy trì điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh về giá, gây áp lực lên lợi nhuận.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu sẽ tăng 14,1% vì chi phí cố định sẽ phân bổ trên ít hành khách hơn. Việc sử dụng ít máy bay hay ghế ngồi trong một chuyến do yêu cầu đảm bảo an toàn cũng sẽ làm tăng thêm chi phí. May mắn với các hãng hàng không, giá nhiên liệu năm 2020 chỉ ở khoảng 36,8 USD/thùng, bằng khoảng một nửa so với năm trước đó, theo số liệu từ IATA. Đây được xem như một khoản cứu trợ cho các hãng khi nhiên liệu dữ kiến sẽ chỉ chiếm 15% tổng chi phí (so với mức 23,7% vào năm 2019).

Vận tải hàng hóa cũng sẽ là một trong những cứu cánh cho ngành hàng không. So với năm 2019, lượng hàng hóa vận chuyển sẽ giảm 10,3 triệu tấn, xuống còn 51 triệu tấn. Tuy nhiên do sự thiếu hụt về năng lực trung chuyển, giá cước sẽ tăng khoảng 30% trong năm nay. IATA dự báo doanh thu hàng hóa sẽ đạt mức kỷ lục gần 110,8 tỉ USD vào năm 2020 (tăng từ 102,4 tỉ USD vào năm 2019). Hàng hóa sẽ bù đắp một phần doanh thu của ngành.

Các hãng hàng không cũng có thêm tự tin khi ngành du lịch được dự báo sẽ phục hồi, bắt đầu từ thị trường trong nước, tiếp theo là khu vực và cuối cùng là quốc tế. Nghiên cứu của IATA cho thấy khoảng 60% du khách sẽ háo hức giới thiệu du lịch trong vòng vài tháng sau khi đại dịch được kiểm soát. Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra tỉ lệ khách du lịch tiềm năng sẵn sàng du lịch khi tình hình tài chính cá nhân ổn định còn lớn hơn, ở mức 69%. 80% khách sẵn sàng bay nếu các biện pháp kiểm dịch được thực hiện.

Tâm Phạm

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Hãng bay hết tiền" tại chuyên mục Khoa học quản lý.