Hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế làm nghiêm trọng thêm tình hình

thunguyen

27/04/2020 08:00

Trong một tuyên bố mới đây, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Tổ chức Thương mại thế giới WTO cùng kêu gọi các nước gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế.

Đại dịch do virus Corona gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến người dân toàn cầu. Thiết bị y tế, đặc biệt là các thiết bị bảo hộ, khẩu trang y tế,… dần trở nên khan hiếm trên phạm vi rộng. Nhiều nước đã đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu những mặt hàng này, ưu tiên cho nhu cầu nội địa.

Reuters dẫn lời đại diện WTO cho biết hiện có 72 nước thuộc WTO và 8 nước ngoài WTO đang ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế.

Thông cáo được IMF và WTO đưa ra cho rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể gây tổn hại nghiêm trọng trong tình huống dịch bệnh toàn cầu lần này. Để tăng cường năng lực sản xuất các mặt hàng vật tư y tế, điều cần thiết là phải xây dựng một mạng lưới sản xuất và phân phối xuyên biên giới. Thương mại toàn cầu đã giúp việc sản xuất các thiết bị y tế trở nên hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn.

Là tổ chức cổ vũ cho tự do thương mại toàn cầu, WTO vẫn dành riêng cho các nước thành viên một quy tắc cho việc hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế thiếu hụt nghiêm trọng tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, WTO kêu gọi dỡ bỏ các rào cản đó.

Hãng tin AFP dẫn nguồn một quan chức Hải quan Trung Quốc cho biết nước này đã xuất khẩu lượng lớn các thiết bị y tế bao gồm khẩu trang (gần 4 tỉ chiếc), trang phục bảo hộ, máy thở, bộ xét nghiệm virus đến 50 quốc gia trong tháng Ba, thu về hơn 2 tỉ USD. Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu thiết bị y tế trong tháng Ba, khi dịch bệnh tại nước này bắt đầu được kiểm soát. Trước đó, Trung Quốc đã tăng cường tự sản xuất các thiết bị y tế, khẩu trang y tế, và nhập khẩu từ các nước như Việt Nam.

Việc khan hiếm khẩu trang y tế, trang bị tối thiểu cần thiết cho mỗi người dân trong đại dịch, xảy ra ngay cả với Việt Nam, khi số ca nhiễm bệnh chưa tới 300 người, và chưa có tử vong.

Thông tin từ các doanh nghiệp logistics cho biết hiện nay đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu máy sản xuất khẩu trang y tế chuyên dụng từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ngay sau khi bùng phát dịch bệnh với những ca nhiễm đầu tiên, khẩu trang y tế trở nên khan hiếm, mức giá bán lẻ bị đẩy lên hàng trăm nghìn đồng mỗi hộp, gấp 10 lần mức giá bình thường. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây, khẩu trang y tế đã bắt đầu được bán trở lại tại các cửa hàng, hiệu thuốc, với mức giá không khác biệt nhiều so với trước dịch bệnh.

Khác với khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn tương đối dễ sản xuất và đang trở nên bão hoà tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất như một giải pháp tình thế trong giai đoạn các đơn hàng dệt may bị trì hoãn hoặc huỷ bỏ. Hiện khẩu trang vải kháng khuẩn đang được xuất khẩu số lượng lớn sang Mỹ và các nước châu Âu theo đơn đặt hàng, các doanh nghiệp dệt may cho biết.

Minh Thư

thunguyen